Cháy rừng Amazon tại Brazil tiếp tục lan rộng

Thứ Ba, 27/08/2019 11:45 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) -  Bất chấp các nỗ lực cứu hỏa của các máy bay quân sự và các cam kết hỗ trợ giải quyết hỏa hoạn của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), hàng trăm đám cháy mới đã bùng lên ở khu vực rừng Amazon thuộc Brazil trong ngày 26/8.

Brazil điều máy bay vận tải quân sự tham gia dập cháy rừng Amazon

Brazil điều máy bay vận tải quân sự tham gia dập cháy rừng Amazon

Theo Bộ Quốc phòng Brazil ngày 26/8, nước này đã điều máy bay vận tải quân sự chở theo nước để dập các đám cháy ở rừng Amazon.

Theo số liệu báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE), tính đến ngày 26/8, trên cả nước Brazil ghi nhận 80.626 vụ cháy rừng - cao nhất kể từ năm 2013. Hơn một nửa số đám cháy này xảy ra ở lòng chảo Amazon - nơi có hơn 20 triệu người sinh sống. Trong đó, chỉ riêng trong ngày 24 và 25/8, đã có 1.113 đám cháy mới bùng phát. 

Từ ngày 25/8, Brazil đã triển khai 2 máy bay Hercules C-130, chở hàng chục nghìn lít nước trút xuống vùng rừng Amazon thuộc địa phận thành phố Porto Velho (Poóc-tô Vên-ô) đang chìm trong "biển lửa", tuy nhiên những nỗ lực này dường như chưa mang lại kết quả. 

Ngày 26/8, khói đen bủa vây thành phố thuộc bang Rondonia - Tây Bắc Brazil - này, buộc sân bay tại đây phải đóng cửa trong gần hai giờ. Các ca điều trị về vấn đề hô hấp cũng gia tăng đột biến trong những ngày gần đây. Phát biểu với báo giới, ông Sergio Pereira - Giám đốc một bệnh viện nhi ở Porto Velho cho biết: "Tất cả chúng ta đều trở thành những người hút thuốc lá thụ động. Khói có thể trở nên thực sự hung dữ và người bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ em và người già". 

Chú thích ảnh
Khói lửa bốc lên ngùn ngụt từ đám cháy rừng Amazon tại Nova Santa Helena, bang Mato Grosso, Brazil ngày 23/8/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhiều phần của khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới - vốn có vai trò rất quan trọng trong nỗ lực kiểm soát sự biến đổi khí hậu - đã bị thiêu rụi trong thảm họa cháu rừng tồi tệ nhất nhiều năm qua. Các chuyên gia cho rằng việc người dân mở rộng diện tích đất canh tác và chăn thả trong mùa khô kéo dài nhiều tháng đã khiến vấn nạn cháy rừng thêm trầm trọng. Ngày 26/8, Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Tereza Cristina Dias cho biết chính phủ nước này sẽ nỗ lực ngăn chặn hành vi đốt rừng để có đất nông nghiệp.  

Trước tình hình cháy rừng Amazon nguy cấp, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã chỉ thị các đơn vị quân đội tại 7 bang của Brazil, trong đó có Rondonia, tham gia công tác dập lửa. Hiện hơn 44.000 binh sĩ Brazil đóng quân tại vùng rừng này đặt trong tình trạng sẵn sàng. Bộ trưởng Tư pháp Brazil Sergio Moro cũng đã "bật đèn xanh" cho việc triển khai lực lượng an ninh để giải quyết nạn phá rừng bất hợp pháp.

Tại hội nghị thượng đỉnh vừa kết thúc ở Pháp, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí chi 20 triệu euro (tương đương 22 triệu USD) cho công tác bảo vệ rừng Amazon, trong đó chủ yếu là để điều các máy bay cứu hỏa tới khống chế đám cháy đang bao trùm "lá phổi hành tinh". G7 cũng nhất trí hỗ trợ kế hoạch tái trồng rừng trung hạn - sẽ được công bố tại Liên hợp quốc vào tháng 9 tới. 

Rừng nhiệt đới Amazon bao phủ trên diện tích rộng khoảng 5,5 triệu km2 ở khu vực Nam Mỹ. Có tới 60% diện tích rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil và diện tích còn lại của cánh rừng này trải dài qua 8 nước và vùng lãnh thổ khác gồm Peru, Bolivia, Colombia, Venezuela, Guyana, Suriname, Guyana thuộc Pháp và Ecuador. 

Rừng Amazon được xem là có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải carbon dioxide. Được ví như "lá phổi" của hành tinh, Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất. Các nhà khoa học cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại rằng các vụ cháy rừng Amazon sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu hiện nay và đe dọa đến đa dạng sinh học.

Trong khi đó, ngày 26/8, các nhà chức trách Brazil bày tỏ quan ngại về khả năng xuất hiện làn sóng tẩy chay hàng hóa Brazil tại nhiều quốc gia trên thế giới, sau khi xảy ra hàng loạt vụ cháy rừng Amazon trong hơn 3 tuần qua. Theo các phương tiện truyền thông Brazil, trên mạng xã hội đã bắt đầu xuất hiện phong trào tẩy chay những mặt hàng “made in Brazil”, gây ra những phản ứng của giới doanh nghiệp trong nước. Chiến dịch kêu gọi không tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc động vật từ Brazil và thậm chí hủy các chuyến du lịch tới quốc gia Nam Mỹ này.

Theo TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›