Chứng khoán Mỹ đi lên sau khi Fed quyết định tăng lãi suất

Thứ Năm, 16/06/2022 07:00 GMT+7

Google News

Thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) đi lên ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo quyết định tăng lãi suất với mức tăng mạnh nhất trong gần 30 năm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 54,51 điểm, tương đương 1,5%, lên 3.789,99 điểm, chấm dứt chuỗi 5 ngày giảm điểm liên tiếp.

Chứng khoán Mỹ và châu Âu đỏ lửa trước nỗi lo lạm phát

Chứng khoán Mỹ và châu Âu đỏ lửa trước nỗi lo lạm phát

Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đã kết thúc tuần bằng một phiên giao dịch đỏ lửa sau khi tiếp nhận thông tin tiêu cực về chỉ số lạm phát trong tháng 5.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 303,70 điểm, tương đương 1%, lên 30.668,53 điểm trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 270,81 điểm, tương đương 2,5%, lên 11.099,15 điểm.

Trước đó, cùng ngày, Fed thông báo quyết định tăng lãi suất với mức tăng mạnh nhất trong gần 30 năm sau khi lạm phát tăng đột biến vào tháng Năm. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed cho biết quyết định nâng phạm vi lãi suất cơ bản của ngân hàng lên 1,5-1,75%. Đây là lần tăng lãi suất với mức tăng 0,75 điểm phần trăm đầu tiên của Fed kể từ năm 1994.

FOMC cho biết trong một thông báo về việc tăng lãi suất rằng xung đột giữa Nga và Ukraine đang gây ra khó khăn to lớn về con người và kinh tế, tạo thêm áp lực gia tăng đối với lạm phát và đang đè nặng lên hoạt động kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, việc hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.

Chú thích ảnh
Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

FOMC cũng rất chú ý đến vấn đề rủi ro lạm phát. Việc Fed tăng lãi suất với mức tăng mạnh bất thường diễn ra sau bốn ngày "hỗn loạn" đối với thị trường tài chính tại Mỹ, khi cổ phiếu đã lao dốc, lợi tức trái phiếu tăng vọt và giá trị tiền điện tử đã sụp đổ trước sự gia tăng đáng báo động của tốc độ tăng giá vào tháng trước.

Bộ Lao động Mỹ công bố tuần trước rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một thước đo lạm phát được theo dõi chặt chẽ, đã tăng 1% chỉ trong tháng 5/2022 và 8,6% trong 12 tháng qua - vượt xa dự báo của các nhà kinh tế. Các chuyên gia cũng lo lắng về số lượng hàng hóa và dịch vụ tăng giá nhanh chóng trong tháng 5/2022, cùng với sự gia tăng của giá thực phẩm và năng lượng do xung đột ở Ukraine.

Trong khi Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức ngân hàng hàng đầu khác để ngỏ khả năng tăng lãi suất lớn hơn hoặc nhỏ hơn, Fed được kỳ vọng sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm nữa trong tương lai. Cuộc khủng hoảng thị trường tài chính hôm thứ Hai đã khiến nhiều người theo dõi Fed ở Phố Wall kỳ vọng về việc Fed tăng lãi suất với mức tăng 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp diễn ra trong hai ngày 14-15/6.

Công cụ FedWatch của CME Group, công cụ giám sát các hợp đồng tương lai gắn với phạm vi lãi suất cơ bản của Fed đang giao dịch, đã đưa ra 97% cơ hội tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào thứ Ba. FOMC cũng đưa ra các dự báo kinh tế mới vào thứ Tư dựa trên triển vọng mới. Ước tính trung bình về tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho năm 2022 của các thành viên FOMC đã giảm xuống 1,7% từ 2,8% trong tháng Ba.

Chú thích ảnh
Ảnh: THX/TTXVN

Ước tính trung bình của FOMC về tỷ lệ thất nghiệp cuối năm cũng tăng lên 3,7% từ 3,5% vào tháng 3/2022. Các quan chức FOMC cũng kỳ vọng lạm phát sẽ cao hơn nhiều vào cuối năm nay. Ước tính trung bình của FOMC về tỷ lệ lạm phát hàng năm đã tăng từ 4,3% vào tháng 3/2022 lên 5,2% khi được đo bằng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Bộ Thương mại Mỹ.

Các dự báo kinh tế được công bố hôm thứ Tư không phải là một dự báo chính thức của Fed, mà là một cái nhìn chung về cách các quan chức ngân hàng hàng đầu nhìn nhận nền kinh tế đang diễn biến như thế nào. Mặc dù vẫn chưa rõ Fed sẽ "hạ cánh" ở đâu, nhưng chi phí đi vay đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ tăng sau quyết định của Fed.

Các ngân hàng và người cho vay đặt lãi suất đối với thẻ tín dụng, cho vay mua ô tô, các khoản cho vay với lãi suất có thể điều chỉnh và các sản phẩm tín dụng ngắn hạn khác mà họ cung cấp dựa trên phạm vi lãi suất cơ bản của Fed. Khi Fed tăng lãi suất, lãi suất đối với các sản phẩm đó cũng tăng lên và khiến người tiêu dùng phải chịu chi phí đi vay cao hơn.

Fed đang đặt mục tiêu giảm lạm phát bằng cách giảm lượng chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là những hàng hóa và dịch vụ đã có nhu cầu cao và nguồn cung thiếu hụt. Khi người tiêu dùng và các doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu, các công ty có thể không thể tiếp tục tăng giá giữa lúc nhu cầu về sản phẩm của họ ít hơn.

Lãi suất tăng cũng có xu hướng làm giảm giá cổ phiếu và giá nhà ở, điều này có thể thúc đẩy các hộ gia đình giàu có cắt giảm chi tiêu hoặc tăng cường tiết kiệm để bù đắp. Doanh số bán nhà giảm mạnh kể từ đầu năm 2022 đến nay sau hai năm tăng trưởng mạnh do tỷ lệ thế chấp tăng. Một số chuỗi bán lẻ lớn cũng đang chuẩn bị cho tình huống thu nhập thấp hơn do người tiêu dùng chi tiêu ít hơn cho các sản phẩm như điện tử và đồ nội thất.

Mặc dù vậy, các nhà kinh tế và nhà đầu tư ngày càng lo ngại rằng Fed có thể cần "cố tình" gây ra suy thoái kinh tế để làm giảm lạm phát. Giá thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng thiết yếu khác đã tăng vọt sau xung đột ở Ukraine. Các vụ phong tỏa, hạn chế do dịch COVID-19 liên tục ở Trung Quốc cũng đang làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bùi Đại Thắng (P/v TTXVN tại Washington)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›