Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này, thị trường chứng khoán Mỹ đã “bốc hơi” hơn 2,5% giá trị khi cả 3 chỉ số chính đều giảm mạnh trước những thông tin tiêu cực bủa vây.
Từ những số liệu kinh doanh kém hiệu quả của nhiều công ty, khả năng Ngân hàng Dự trữ Trung ương Mỹ (FED) sẽ tăng mạnh lãi suất, tốc độ phục hồi kinh tế chậm lại do tác động từ các lệnh trừng phạt qua lại giữa Nga và phương Tây đến ảnh hưởng từ chính sách phong tỏa chống COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 22/4 tại thị trường chứng khoán New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones bị “thổi bay” 2,82% giá trị, xuống còn 33.811,4 điểm, đánh dấu ngày giao dịch có mức sụt giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 10/2020. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 2,77% xuống còn 4.271,78 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq giảm 2,55% xuống còn 12.839,29 điểm.
Tính trong cả tuần, 3 chỉ số trên giảm lần lượt 1,9%, 2,8% và 3,8%. Đây đã là tuần giảm thứ 4 liên tiếp của Dow Jones và là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của S&P 500 và Nasdaq. Giới phân tích lo ngại nếu Dow Jones đâm thủng ngưỡng hỗ trợ 33.000 điểm trong tháng này thì có thể sẽ lặp lại kịch bản như trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.
- Chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên 13/4 sau báo cáo lạm phát mới nhất
- Những vụ thao túng thị trường chứng khoán gây chú ý trên thế giới
Trước đó, thị trường chứng khoán châu Âu cũng chốt phiên cuối cùng của tuần này bằng chiều đi xuống do tâm lý nặng nề của các nhà đầu tư trước những thông tin bất định và triển vọng tăng trưởng u ám. Theo đó, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Anh, Pháp và Đức giảm lần lượt là 1,4%, 2% và 2,5%.
Trong khi đó, sắc đỏ cũng bao trùm thị trường vàng và năng lượng, bất chấp nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ tại châu Âu nếu dòng chảy xuất khẩu dầu của Nga bị chặn lại. Giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) Mỹ giao hợp đồng tương lai giảm 2,03% xuống còn 101,69 USD/thùng, giá dầu Brent cũng giảm 2% và dừng ở mức 106,16 USD/thùng.
Giá vàng giao tháng 6 trên sàn COMEX giảm 13,9 USD, tương đương 0,71%, xuống còn 1.934,3 USD/ounce, một phần do USD tăng giá và chỉ số quản lý sức mua sản xuất (PMI) tại Mỹ tiếp tục tăng mạnh.
TTXVN
Tags