Chiều ngày 8/7/2022, hãng tin Kyodo (Nhật Bản) dẫn nguồn tin từ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền cho biết cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã qua đời sau khi bị một đối tượng tấn công vào sáng cùng ngày.
Sự ra đi bất ngờ của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã để lại sự tiếc nuối lớn trong lòng người dân Nhật Bản cũng như thế giới. Trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị của mình, cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã có những đóng góp quan trọng trong việc định hình đất nước Nhật Bản thời hiện đại.
Thế giới bàng hoàng trước sự ra đi của cựu Thủ tướng Abe Shinzo
Sáng ngày 8/7/2022, thông tin về việc cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, 67 tuổi, bị bắn đã khiến người dân Nhật Bản và các nước bàng hoàng. Ông Abe bị bắn vào khoảng 11h30 giờ địa phương (9h30 giờ Hà Nội) khi ông đang có bài phát biểu vận động tranh cử cho đảng Dân chủ tự do tại thành phố Nara, miền Tây Nhật Bản. Các nhân chứng tại hiện trường cho biết đã nghe được 2 tiếng nổ.
Nghi phạm tấn công cựu Thủ tướng Abe Shinzo là Tetsuya Yamagami-41 tuổi, đã từng phục vụ cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong 3 năm và hiện đang cư trú tại thành phố Nara-đã bị cảnh sát bắt giữ tại hiện trường với cáo buộc âm mưu giết người. Đài truyền hình NHK dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết nghi phạm đã khai với các nhân viên điều tra rằng ông ta không hài lòng với cựu Thủ tướng Abe và có ý định sát hại chính trị gia này. Cảnh sát đã thu giữ tại hiện trường một khẩu súng, dường như được làm thủ công.
Ngay sau vụ việc, Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã lên án vụ tấn công nhằm vào ông Abe bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất, đồng thời cho biết vẫn chưa rõ động cơ đằng sau vụ tấn công này. Thủ tướng Kishida cho biết nội các Nhật Bản sẽ nhóm họp khẩn cấp để bàn biện pháp ứng phó với vụ việc.
Nhiều nhà lãnh đạo và giới chức ngoại giao trên thế giới đã bất ngờ và "bị sốc" về vụ tấn công nhằm vào cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng nêu rõ: "Chúng tôi rất bàng hoàng và buồn khi nghe tin về vụ tấn công cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Chính phủ Mỹ đang theo dõi sát sao tình hình và luôn hướng suy nghĩ tới gia đình ông và người dân Nhật Bản".
Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel nhấn mạnh: "Cựu Thủ tướng Abe là nhà lãnh đạo xuất sắc của Nhật Bản và là một đồng minh thân thiết của Mỹ. Chính phủ và người dân Mỹ đang cầu nguyện cho sự bình an của ông Abe, gia đình ông và người dân Nhật Bản".
Đại sứ Nga tại Nhật Bản Mikhail Galuzin đã lên án vụ tấn công nhằm vào ông Abe, đồng thời cầu nguyện cho sức khỏe của cựu Thủ tướng Nhật Bản.
Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết ông cảm thấy sốc và buồn sau khi biết tin về vụ tấn công. Ông Michel nhấn mạnh, cựu Thủ tướng Abe là người bạn thực sự, một người bảo vệ mạnh mẽ trật tự đa phương. Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ người dân Nhật Bản và Thủ tướng Kishida Fumio vào thời điểm khó khăn này, đồng thời gửi lời cảm thông sâu sắc tới gia đình ông Abe.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng Anh Boris Johnson trên mạng xã hội Twitter cũng bày tỏ sự bàng hoàng và buồn trước vụ tấn công nhằm vào cựu Thủ tướng Abe.
Bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra tại Bali (Indonesia), Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi-đại diện cho các Ngoại trưởng nhóm G20, đã chia sẻ với đất nước Nhật Bản.
Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông "vô cùng đau buồn" trước vụ tấn công nhằm vào cựu Thủ tướng Abe, và coi ông Abe là một "người bạn thân thiết".
Còn Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai cho biết Thủ tướng nước này Prayut Chan-o-cha “rất sốc” khi biết tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe bị bắn trước đó cùng ngày tại thành phố Nara. Ngoại trưởng Thái Lan cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và ông Abe là bạn và có mối quan hệ khá gần gũi…
Những dấu ấn mang tên Abe Shinzo
Ông Abe Shinzo sinh ngày 21/9/1954 tại Tokyo, trong một gia đình có truyền thống làm chính trị với ông ngoại là Kishi Nobusuke-Thủ tướng Nhật Bản giai đoạn 1957-1960 và cha là Abe Shintaro từng giữ chức Ngoại trưởng.
Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học chính trị tại Đại học Nam California (Mỹ), ông Abe trở về Nhật Bản, tham gia tích cực trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) và từ năm 1982, ông trở thành thư ký cho cha, khi đó là Ngoại trưởng Abe Shintaro.
Đến năm 1993, ông bước chân vào chính trường Nhật Bản khi ra tranh cử trong cuộc bầu cử Hạ viện tháng 7 và được bầu làm Nghị sỹ lần đầu tiên. Sau khi gia nhập chính giới, ông Abe đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ và đảng Dân chủ Tự do (LDP) như: Phó Chánh Văn phòng Nội các trong giai đoạn 2000-2002, Tổng Thư ký đảng LDP năm 2003, và Chánh Văn phòng Nội các năm 2005.
Tháng 9/2006, ông được bầu làm Chủ tịch LDP và trở thành vị Thủ tướng thứ 90 của Nhật Bản. Khi đó, ông mới 52 tuổi và là vị Thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản thời hậu chiến.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ Thủ tướng lần đầu tiên này của ông Abe chỉ kéo dài được một năm khi tháng 9/2007, ông đột ngột từ chức vì bệnh viêm loét đại tràng. Đây cũng chính là căn bệnh khiến ông phải từ chức lần hai vào tháng 8/2020.
Khi bệnh tình có những biến chuyển tích cực, ông Abe đã có sự trở lại ngoạn mục trên chính trường Nhật Bản. Thủ tướng Abe lên nắm quyền trở lại vào tháng 12/2012 sau khi đảng LDP giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện.
Trong suốt thời gian dẫn dắt đất nước từ năm 2012, Thủ tướng Abe đã góp phần quan trọng trong việc định hình đất nước Nhật Bản thời hiện đại, phục hưng nền kinh tế từ tình trạng trì trệ những năm 1990 thông qua kế hoạch Abenomics. Đây là một tập hợp các biện pháp cải cách tiền tệ, tài chính, cơ cấu kinh tế hướng tới thúc đẩy tăng trưởng và đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài trong nhiều thập kỷ.
Việc triển khai Abenomics đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ như đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi vòng xoáy giảm phát và tăng trưởng liên tục trong vòng 71 tháng, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm… Trong thời gian Thủ tướng Abe nắm quyền, chỉ số Nikkei đã tăng đáng kể, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư vào các chính sách kinh tế của Chính phủ Nhật Bản. Đất nước Nhật Bản cũng chống chọi hiệu quả với những biến cố lớn suốt hai thập kỷ, trong đó có thảm họa động đất và sóng thần hồi năm 2011 hay cuộc “khủng hoảng kép” kinh tế và y tế từ đầu năm 2020 do COVID-19 gây ra…
Cũng trong thời gian cầm quyền, Thủ tướng Abe đã giúp củng cố và nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, ông đã đóng góp rất lớn vào việc thay đổi cách diễn giải Hiến pháp hiện hành nhằm cho phép Lực lượng Phòng vệ (SDF) của Nhật Bản tham gia hoạt động phòng thủ tập thể để bảo vệ đồng minh trước các cuộc tấn công vũ trang. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong chính sách an ninh của Nhật Bản thời hậu chiến.
Đối với đảng LDP, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Abe, liên minh cầm quyền giữa LDP với Đảng Công minh đã giành thắng lợi trong 6 cuộc bầu cử Hạ viện liên tiếp.
Ở phương diện đối ngoại, Thủ tướng Abe đã giúp Nhật Bản không ngừng nâng cao vị thế, đồng thời xây dựng được những mối quan hệ thực chất với các nhà lãnh đạo thế giới. Ông đã thúc đẩy hợp tác quân sự chặt chẽ hơn với Mỹ trong nỗ lực tăng cường sức mạnh phòng vệ quốc gia, củng cố quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, vốn đã bị rạn nứt dưới thời các chính quyền của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ). Mối quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc cũng nồng ấm hơn dưới thời của Thủ tướng Abe Shinzo.
Ngày 24/8/2020, ông Abe được ghi danh là thủ tướng có thời gian tại nhiệm liên tục lâu nhất Nhật Bản với 2.799 ngày cầm quyền liên tiếp, vượt qua kỷ lục của Thủ tướng Eisaku Sato, người đã từng giữ vị trí này trong 2.798 ngày liên tiếp từ 9/11/1964 đến 7/7/1972.
Tuy nhiên, ngày 28/8/2020, ông Abe đã bất ngờ thông báo quyết định từ chức vì lý do sức khỏe, mặc dù nhiệm kỳ của ông đến tháng 9/2021 mới kết thúc. Sức khỏe của ông bắt đầu suy giảm vào khoảng giữa tháng 7/2020 do bệnh viêm loét đại tràng tái phát. Việc từ chức của Thủ tướng Shinzo Abe đã để lại sự tiếc nuối đối với người dân và nhiều nhà lãnh đạo thế giới.
Người có đóng góp lớn làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam-Nhật Bản
Đối với người dân Việt Nam, cựu Thủ tướng Abe Shinzo là người có đóng góp to lớn vào việc phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực và quốc tế.
Trong thời gian hoạt động chính trị, Thủ tướng Abe đã nhiều lần tới Việt Nam. Riêng trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản, ông đã thăm Việt Nam tổng cộng 4 lần (vào năm 1993, 11/2006, 1/2013 và 11/2017). Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam vào tháng 2/2019, ông Abe đã từng nhắc tới sự đón tiếp nồng ấm của chính phủ và người dân khi ông tới thăm đất nước Việt Nam. Thủ tướng Abe từng chia sẻ rằng: “Trong ấn tượng của người Nhật Bản, dân tộc Việt Nam là dân tộc rất cần cù, thông minh, tính kiên nhẫn cao và đặc biệt tình cảm của người Việt Nam rất ấm áp”. Có lẽ, những ấn tượng như vậy về Việt Nam là một trong những lý do để vị thủ tướng có thời gian tại nhiệm dài nhất trong lịch sử Nhật Bản bày tỏ: “Tôi rất muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước”.
Chính Thủ tướng Abe là người đã nhận ra tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên làm Thủ tướng vào năm 2006, thể hiện qua việc hai bên nhất trí đưa ra Tuyên bố chung Hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Và sau khi được bầu lại làm Thủ tướng vào tháng 12/2012, ông đã chọn ngay Việt Nam là nước ngoài đầu tiên ông đi thăm (tháng 1/2013).
Năm 2014, hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Nhật Bản.
Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nhật Bản năm 2015, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Abe đã dành sự đón tiếp rất trọng thị và thân tình, coi Tổng Bí thư là “quốc khách”.
- Nhật Bản công bố nguyên nhân tử vong của cựu Thủ tướng Abe Shinzo
- Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo qua đời sau khi bị tấn công
- Nghi phạm Yamagami khai 'chủ ý sát hại' cựu Thủ tướng Abe Shinzo
Năm 2017, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài số hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Đáng chú ý, Thủ tướng Abe đã mời lãnh đạo Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng vào năm 2016 và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G20) với tư cách khách mời đặc biệt của nước chủ nhà vào năm 2019. Đây đều là những lần đầu tiên Việt Nam tham dự các diễn đàn có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn như G7 và G20.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ giữa hai nước, dưới thời chính quyền của Thủ tướng Abe, cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản đã không ngừng lớn mạnh và nhanh chóng trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ ba ở Nhật Bản.
Sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, Chính phủ Nhật Bản của Thủ tướng Abe đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho lao động Việt Nam tại nước này như: trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt giống như các công dân Nhật Bản; hỗ trợ điều trị cho các thực tập sinh Việt Nam không may bị nhiễm virus SARS-CoV-2; cho phép các thực tập sinh hết hạn hợp đồng tiếp tục làm việc cho đến khi có chuyến bay về nước…
Ngày nay, mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản vẫn luôn được các cấp lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp và phát triển mạnh mẽ với sự tin cậy cao. Và thành quả của mối quan hệ gắn bó đó có sự đóng góp không nhỏ của cựu Thủ tướng Abe Shinzo.
Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)
Tags