Dân số càng đông nguy cơ khủng hoảng lương thực càng cao |
Theo cơ quan trên, dân số thế giới đã đạt ngưỡng 6 tỷ người vào năm 1999 và nếu dự báo trên trở thành hiện thực thì chỉ trong vòng có 13 năm dân số thế giới đã tăng thêm 1 tỷ người.
Theo ông Carl Haub, nhà dân số học của Cục điều tra dân số Mỹ, nếu làm phép so sánh thì thấy dân số thế giới năm 1800 vẫn chưa đến 1 tỷ người và 130 năm sau đó thì con số này cũng chưa tăng đến 2 tỷ. Ông Haub nhận xét: "Người ta có thể dễ dàng nhận thấy những tác động của việc gia tăng dân số nhanh chóng ở những nước đang phát triển". Ông nhấn mạnh điều kiện tiến bộ về dinh dưỡng và y tế ở những nước đang phát triển đã dẫn đến cuộc bùng nổ dân số sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Tuy nhiên, hiện đang diễn ra những thay đổi về văn hóa, nhận thức, với việc ngày càng có nhiều phụ nữ ở các nước đang phát triển được đến trường và tham gia vào lực lượng lao động xã hội. Điều này sẽ giúp làm giảm tốc độ gia tăng dân số, mặc dù vẫn còn cao.
Hiện nay, dân số thế giới đang gia tăng với tỷ lệ trung bình là 1,2%/năm. Cục điều tra dân số Mỹ dự báo rằng tốc độ này sẽ giảm xuống còn 0,5% vào năm 2050. Khi đó, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất trên thế giới. Đồng thời, dân số thế giới cũng sẽ già đi nhanh chóng. Đến năm 2050, số người từ 80 tuổi trở lên sẽ chiếm 5% dân số - so với 1,5% hiện nay.