(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Tiếp tục cập nhật
Hà Nội có thêm 2.705 ca F0, quận Hoàng Mai nhiều ca nhất
Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 31/1 đến 18 giờ ngày 1/2/2022, Hà Nội ghi nhận thêm 2.705 ca F0, phân bố tại 457 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai có 228 ca; Đống Đa có 187 ca; Đông Anh 185 ca; Nam Từ Liêm 156 ca; Long Biên 154 ca...
Cộng dồn số ca mắc COVID-18 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay là 137.394 ca.
Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội vẫn gia tăng, với gần 3.000 ca/ngày.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến hiệu quả, phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện. Các cơ sở y tế nâng cao hiệu quả công tác điều phối chuyển tuyến giữa các tầng điều trị, đẩy mạnh hỗ trợ chuyên môn với các bệnh viện tuyến dưới.
Trong những ngày nghỉ Tết, các đơn vị phân công trực 24/24 giờ hợp lý, khoa học, hiệu quả, đồng thời niêm yết công khai danh sách trực hằng ngày theo quy định; xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả các công việc, tình huống phát sinh.
Cả nước ghi nhận 11.023 ca mắc, hơn 39.600 người khỏi bệnh
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 31/1 đến 16h ngày 1/02, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.023 ca mắc mới, trong đó 12 ca nhập cảnh; 11.011 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.626 ca so với ngày trước đó) tại 55 tỉnh, thành phố (có 7.303 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.705); Đà Nẵng (783); Hải Phòng (496); Quảng Nam (475); Bình Định (444); Thanh Hóa (412); Phú Thọ (388); Hưng Yên (355); Bắc Ninh (342); Nam Định (330); Hải Dương (293); Nghệ An (270); Thái Nguyên (246); Hòa Bình, Bắc Giang (229); Vĩnh Phúc (207); Thái Bình (198); Ninh Bình (177); Lâm Đồng (173); Hà Nam (160); Thành phố Hồ Chí Minh (155); Bình Phước (154); Quảng Ninh (116); Quảng Bình (112); Lào Cai (106); Tây Ninh (105); Quảng Trị (98); Tuyên Quang (94); Cà Mau (93); Bến Tre (87); Hà Giang (85); Thừa Thiên Huế (84); Phú Yên, Sơn La (82); Quảng Ngãi (59); Đắk Nông (52); Kiên Giang (49); Điện Biên (44); Bà Rịa - Vũng Tàu (43); Lai Châu, Khánh Hòa (42); Yên Bái (40); Hậu Giang (39); Bạc Liêu, Vĩnh Long (37); Long An (32); Bình Dương (29); Trà Vinh (27); Đồng Nai (21); Cao Bằng (15); Đồng Tháp, Bình Thuận (11); An Giang (10); Cần Thơ (4); Tiền Giang (2).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Bắc Ninh (-439), Kon Tum (-288), Nam Định (-144).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó gồm: Bình Định (+89), Quảng Nam (+72), Lào Cai (+48).
Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 14.122 ca/ngày.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 185 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại Thành phố Hồ Chí Minh (92); Quảng Nam (27); Quảng Ninh (20); Hà Nội (14); Khánh Hòa (11); Đà Nẵng (8); Kiên Giang (4); Thanh Hóa (2); Hải Dương, Hải Phòng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng, Ninh Bình (1).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.286.750 ca mắc, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân của Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 23.169 ca mắc).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số mắc mới ghi nhận trong nước là 2.279.719 ca, trong đó có 2.059.241 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số mắc tích lũy cao trong đợt dịch này gồm Thành phố Hồ Chí Minh (514.047), Bình Dương (292.908), Hà Nội (134.223), Đồng Nai (99.910), Tây Ninh (88.284).
Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (địa chỉ cdc. kcb. vn), trong ngày 1/2 đã có 39.608 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số người được công bố khỏi bệnh lên 2.062.058 ca.
Hiện có 3.315 bệnh nhân nặng đang điều trị; trong đó, 2.349 ca thở ô xy qua mặt nạ; 451 ca thở ô xy dòng cao HFNC; 111 ca thở máy không xâm lấn; 390 ca thở máy xâm lấn; 14 ca ECMO.
Tính từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm 32.222.864 mẫu tương đương 77.232.838 lượt người, tăng 18.230 mẫu so với ngày trước đó.
Trong ngày 31/1 đã có 145.079 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số vaccine đã được tiêm là 181.431.371 liều, trong đó 79.073.848 liều mũi 1; 74.168.251 liều mũi 2 và 28.189.272 liều mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản).
Người dân về quê đón Tết có thể tiêm vaccine ngay tại đó
Chia sẻ với báo chí nhân dịp năm mới Nhâm Dần, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá công tác phòng chống dịch COVID-19 đang từng bước có những kết quả hết sức khả quan.
"Quan trọng nhất hiện nay là Việt Nam đã tăng được độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 ở mức độ rất cao và là một trong những nước thuộc top đầu thế giới về bao phủ vaccine. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng xác định vaccine là một trong những chìa khóa then chốt để đưa cuộc sống trở lại bình thường cộng thêm các biện pháp công cộng khác nữa"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết đã báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ về việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine mùa Xuân, tiêm xuyên Tết và tiêm cho tất cả mọi người khi đến lịch tiêm. Tất cả người dân khi về quê ăn Tết có thể đăng ký tiêm ngay tại địa bàn đó. Bộ đã có hướng dẫn, chỉ đạo với các địa phương, lực lượng y tế cũng sẵn sàng.
Người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh trong dịp Tết này có sự tăng giao lưu đi lại của người dân tại tất cả các địa phương, rồi việc tổ chức lễ hội văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, việc thăm hỏi của người dân với người thân... Vì thế, ngành y tế vẫn tiếp tục đề nghị người dân thực hiện nghiêm biện pháp 5K, trong đó việc đeo khẩu trang là giải pháp rất quan trọng.
"Ngành y tế vẫn tiếp tục triển khai các giải pháp: tiêm chủng, nâng cao năng lực hệ thống y tế, chăm sóc điều trị bệnh nhân tại tất cả các tuyến"- Bộ trưởng nói
Bám sát diễn biến tình hình dịch do Omicron gây ra
Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 30/1 đến 16 giờ ngày 31/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.674 ca mắc mới, trong đó 37 ca nhập cảnh và 12.637 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.019 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố (có 8.517 ca trong cộng đồng).
Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất cả nước với 2.728 ca, phân bố tại 438 xã, phường. thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã, giảm 200 ca so với hôm qua, trong đó có 412 ca cộng đồng. Như vậy, từ ngày 29/4/2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 134.669 ca COVID-19. Hà Nội cũng đã ghi nhận 14 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron gây ra.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 185 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại Thành phố Hồ Chí Minh (92 ca), Quảng Nam (27 ca), Quảng Ninh (20 ca), Hà Nội (14 ca), Khánh Hòa (11 ca), Đà Nẵng (8 ca), Kiên Giang (4 ca), Thanh Hóa (2 ca), Hải Dương, Hải Phòng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng, Ninh Bình (mỗi địa phương 1 ca).
Hiện, Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này; Chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
*Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, chúc Tết cán bộ y tế
Sáng 31/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, chúc Tết, kiểm tra công tác ứng trực, sẵn sàng chiến đấu tại Công an thành phố Hà Nội; thăm Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại quận Hoàng Mai, Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ân cần thăm hỏi các bệnh nhi và người nhà, mừng tuổi các cháu nhân dịp Tết đến, xuân về. Hiện còn khoảng 600 cháu đang điều trị tại đây trong dịp Tết. Cũng tại đây, qua hệ thống trực tuyến, Thủ tướng thăm hỏi đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Nhi đang làm nhiệm vụ hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Vĩnh Long.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ân cần thăm hỏi, trao đổi với các bác sĩ đang làm nhiệm vụ điều trị tại hai bệnh viện; cảm ơn, đánh giá cao đội ngũ cán bộ, y bác sĩ đã hy sinh tình cảm riêng tư trong những ngày Tết đến, xuân về, những ngày ai cũng muốn về với gia đình để chăm sóc các bệnh nhân, mong các y bác sĩ tiếp tục nỗ lực, cố gắng vượt qua các khó khăn, thách thức, giữ vững bản lĩnh, đoàn kết, phát huy tinh thần "thầy thuốc như mẹ hiền", tất cả vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe, giữ lại mạng sống cho người bệnh.
Thủ tướng gửi lời cảm ơn trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới tất cả các cán bộ, y bác sĩ, nhân viên ngành y đã và đang tiếp tục chống dịch, cùng cả nước phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Thủ tướng cũng bày tỏ chia sẻ với những mất mát, hi sinh của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhiều người đã vĩnh viễn ra đi trong quá trình phòng chống dịch, vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Thủ tướng nhắc nhở, tình hình sắp tới còn nhiều phức tạp, biến chủng Omicron lây lan rất nhanh và có thể xuất hiện những biến chủng mới; Bộ, ngành y tế cần tiếp tục phát huy những thành tựu không ai phủ nhận được, đồng thời tiếp tục tổng kết, xây dựng lý luận, xây dựng ngành khoa học nghiên cứu COVID-19; rút kinh nghiệm, cương quyết xử lý các vụ việc tiêu cực. Thủ tướng cũng đề nghị làm tốt chính sách với đội ngũ y bác sĩ, không để thiệt thòi, tri ân những người đã cống hiến, hi sinh vì sức khỏe, tính mạng nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu thần tốc, thần tốc hơn nữa trong triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân để đạt mục tiêu đã đề ra, bởi thực tiễn cho thấy đa số các ca chuyển nặng và tử vong là những người chưa tiêm vaccine, người cao tuổi, có bệnh nền. Đồng thời, tổ chức ứng trực tốt, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong dịp Tết. "Để nhân dân có một cái Tết an lành nhất sau một năm khó khăn nhất", Thủ tướng chỉ rõ.
Cũng trong sáng 31/1 (tức 29 Tết Nguyên đán), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thăm, động viên, chúc Tết các cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện Phổi Trung ương, Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội.
Chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các y bác sỹ Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngay khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện, bệnh viện là nơi tiếp nhận, điều trị những ca bệnh nặng về lao, phổi, đường hô hấp... Đặc biệt, trong thời gian qua, Bệnh viện Phổi Trung ương đã chủ trì, phối hợp triển khai Chương trình Chống lao Quốc gia rất hiệu quả.
- 14 tỉnh thành có ca Covid-19 nhiễm Omicron, địa phương không được ra 'lệ làng'
- Omicron có khả năng là biến thể lây lan mạnh nhất từng tồn tại
- Bằng chứng về hiệu quả của mũi vaccine tăng cường trước biến thể Omicron
Đến thăm Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc quận Ba Đình, Phó Thủ tướng đã nghe báo cáo về công tác chăm sóc các F0 đang điều trị tại nhà trên địa bàn. Theo đó, đến nay, phường Vĩnh Phúc có 195 F0 đang điều trị tại nhà. Hàng ngày, 19 cán bộ, nhân viên của Trạm chia làm 2 kíp trực để tiếp nhận thông tin từ người dân, cấp phát thuốc, kít xét nghiệm, tư vấn điều trị, xử trí ban đầu những trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng…
Cũng trong sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm, kiểm tra việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 tại nhà cho cụ Ngô Thị Đức (sinh năm 1930), ở tại số 22, khu 45 căn hộ, phường Vĩnh Phúc; động viên và chúc sức khỏe cụ Ngô Thị Đức nhân dịp Tết Nguyên đán 2022 cận kề.
PV/TTXVN
Tags