(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2021, nhằm phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Đến nay, Việt Nam đã tiêm được trên 168 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đã có 100% người từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất một liều vaccine, 90% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Đây được coi là thành công của Việt Nam trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, góp phần hạn chế các ca tử vong do dịch COVID-19.
Xác định vaccine là biện pháp hữu hiệu
Đại dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam vào ngày 23/1/2020. Sau gần 2 năm, kinh tế-xã hội của cả nước đã bị tác động và ảnh hưởng nặng nề. Dù năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh với tổng số ca tử vong xác nhận cả năm là 35 ca, nhưng đến năm 2021, tình hình trở nên trầm trọng hơn với số ca mắc và số ca tử vong tăng "đột biến". Trong năm 2021, dịch đã lan ra toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, nhất là tại TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh và mới nhất là Hà Nội.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có trên 2,023 triệu ca mắc COVID-19, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ; tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca COVID-19 ghi nhận trong nước là trên 2,017 triệu ca, trong đó có trên 1,727 triệu bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là trên 5.000 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 là khoảng 35.600 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca mắc.
Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở nước ta, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan, đặc biệt là Bộ Y tế đã nỗ lực triển khai rất nhiều giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, ngay từ thời gian đầu, Việt Nam xác định vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất giúp ứng phó với đại dịch COVID-19.
Chiến lược vaccine của nước ta tập trung vào các nội dung chính như: đẩy mạnh ngoại giao vaccine; tăng cường nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vaccine trong nước; thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử...
9 loại vaccine phòng COVID-19 đã được cấp phép
Ngày 1/2/2021, vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca đã được Bộ Y tế phê duyệt cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam. Đây cũng là vaccine đầu tiên được Bộ Y tế phê duyệt.
Sau đó, lần lượt các vaccine phòng COVID-19 khác được Bộ Y tế phê duyệt: Vaccine Sputnik V (phê duyệt ngày 23/3), Vaccine Vero Cell (phê duyệt ngày 3/6), Vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNtech (phê duyệt ngày 12/6), Vaccine Moderna (phê duyệt ngày 29/6), Vaccine Janssen (phê duyệt ngày 15/7), Vaccine Hayat-Vax (phê duyệt ngày 10/9), Vaccine Abdala (phê duyệt ngày 17/9) và Vaccine Covaxin (phê duyệt ngày 10/11).
Như vậy, đã có 9 vaccine phòng COVID-19 được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Các loại vaccine phòng COVID-19 được sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam đều phải đảm bảo 3 yếu tố: an toàn, sinh miễn dịch và bảo vệ hiệu quả.
Tiếp nhận hơn 192 triệu liều vaccine phòng COVID-19
Để có thể tiếp cận được nguồn vaccine trong bối cảnh khan hiếm trên quy mô toàn cầu, ngoại giao vaccine đã được triển khai quyết liệt trên nhiều cấp khác nhau, đặc biệt ở cấp cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp.
Trong hàng trăm cuộc điện đàm, tiếp xúc ở trong nước và ngoài nước, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều đề cập đến việc hợp tác vaccine cũng như tiếp cận nguồn vaccine của các đối tác. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan cùng với hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc. Hàng trăm cuộc trao đổi, làm việc, đàm phán với các tổ chức, nhà sản xuất vaccine được Bộ Y tế bền bỉ thực hiện suốt từ giữa năm 2020 đến nay.
Nhờ đó, đến ngày 29/12/2021, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 192 triệu liều vaccine phòng COVID-19 các loại khác nhau từ nhiều nguồn: ngân sách nhà nước 96.919.280 liều và nguồn viện trợ, tài trợ 95.082.938 liều.
Trong tổng số liều vaccine đã tiếp nhận, Bộ Y tế đã phân bổ 112 đợt với tổng số 175,1 triệu liều, số liều vaccine còn lại hiện đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vaccine.
Tại lễ mít tinh hưởng ứng ngày Quốc tế phòng chống dịch với chủ đề "Tăng cường quản lý nhóm nguy cơ" diễn ra hôm 27/12/2021, TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã bày tỏ ấn tượng trước thành quả tiếp cận vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam.
Nằm trong nhóm đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trên thế giới
Ngày 8/3/2021, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương, Bộ Y tế và UBND tỉnh Hải Dương đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Đến ngày 10/7/2021, Việt Nam chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc. Đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại nước ta, huy động tổng lực cùng tham gia với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước từ trung ương đến địa phương, gồm cả lực lượng dân y, quân y, công lập, tư nhân. Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan quyết tâm, nỗ lực để thực hiện hiệu quả, thành công chiến dịch tiêm chủng với phương châm "tiêm đến đâu an toàn đến đó", "không bỏ phí bất cứ một liều vaccine nào" và "không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19".
Việc phân bổ vaccine và triển khai tiêm chủng được bố trí linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn dịch và tình hình của từng địa phương.
Đến cuối tháng 12/2021, Việt Nam đã tiêm chủng chạm mốc 150 triệu liều vaccine. Nhờ đó, đã có 100% người từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất 1 liều vaccine và 90% người tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Tỷ lệ tiêm vượt mục tiêu mà WHO đề ra đến hết năm 2021 (79% dân số được tiêm 1 liều vaccine; 66% dân số tiêm đủ liểu cơ bản).
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, tiêm chủng vaccine là một điểm sáng của Việt Nam khi số lượng vaccine cam kết và tốc độ tiêm vaccine đã vượt mục tiêu và kế hoạch, các nước đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trên thế giới.
Và đến hết ngày 16/1/2022, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 168.003.163 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.595.722 liều, tiêm mũi 2 là 72.319.574 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 17.087.867 liều. Riêng về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được hơn 12 triệu liều, trong đó có gần 7,6 triệu mũi 1 và khoảng 4,5 mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là hơn 83 % và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vaccine là gần 50% dân số từ 12-17 tuổi.
- Công điện về thần tốc tiêm vaccine và đẩy mạnh các biện pháp phòng Covid-19
- Hơn 161,2 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm tại Việt Nam
- Hà Nội: Tiêm vaccine tại nhà cho những người bại liệt, già yếu
Tiếp tục triển khai hiệu quả chiến dịch vaccine
Thành công trong chiến dịch tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 không chỉ góp phần bảo vệ sức khoẻ của nhân dân trong đại dịch mà còn làm cho cả nước "thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng chống dịch hiệu quả" song song với phát triển kinh tế-xã hội.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã liên tục có văn bản đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tiêm vét các trường hợp thuộc đối tượng tiêm, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" rà soát các trường hợp người trên 50 tuổi, có bệnh nền để tiêm hết nhằm bảo vệ nhóm nguy cơ cao này trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và biến chủng Omicron đang ngày một lan rộng; Đồng thời tăng cường thúc đẩy tiêm mũi 3, hoàn thành trong quý I/2022 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng vaccine trong nước, Bộ Y tế cho biết hiện có các ứng viên vaccine như Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, vaccine do Công ty Shionogi (Nhật Bản) phát triển.
Bộ Y tế cũng đang hướng dẫn các đơn vị trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 từ các quốc gia khác như Cuba, Ấn Độ… và có thư gửi WHO giới thiệu các đơn vị của Việt Nam tham gia chương trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ mRNA của WHO.
Minh Hiếu/TTXVN (tổng hợp)
Tags