Dịch Covid-19: Thủ đô định hình một tâm thế mới

Thứ Năm, 17/02/2022 14:49 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chính quyền và người dân Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với dịch COVID-19 và biến thể mới, cùng với đó là khối lượng công việc đồ sộ, ngổn ngang, phải giải quyết ngay cùng một lúc.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: 'Điều khiến tôi hài lòng chính là sự ủng hộ của người dân Thủ đô'

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: 'Điều khiến tôi hài lòng chính là sự ủng hộ của người dân Thủ đô'

Hà Nội trải qua gần 70 ngày đêm cam go với chiến dịch phòng, chống COVID-19. Đợt dịch lần thứ 4, thành phố phải thực hiện 5 lần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Dù chưa hết khó khăn và những mối đe dọa từ dịch bệnh nhưng ngay lúc này, sự kiên trì, nhất quán đã được thể hiện rất rõ. Đó như là điểm tựa, một hằng số để Hà Nội định hình một tâm thế mới chiến thắng đại dịch, thực hiện “mục tiêu kép” đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Từ những ngày giãn cách

Còn nhớ hồi tháng 7/2021, thành phố Hà Nội có 23 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Để giữ cho "trái tim" của cả nước khỏe mạnh, cùng với tinh thần phòng bệnh từ sớm, từ xa, Hà Nội đã quyết định từ 6 giờ ngày 24/7, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày theo nguyên tắc "ai ở đâu, ở yên đó" để phòng, chống dịch.

Trong những ngày Thủ đô thực hiện giãn cách, tình hình dịch vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, liên tiếp phát hiện hàng chục ổ dịch với nhiều ca mắc trong cộng đồng. Đó là, ổ dịch phường Văn Miếu (Đống Đa) phát hiện ngày 30/7, ca dương tính, để rồi ghi nhận 118 F0.

Các ngày sau đó tại phường Thanh Lương (Hai Bà Trưng) phát hiện tới 20 trường hợp dương tính liên quan đến Công ty thực phẩm Thanh Nga. Ngày 2/8, chợ Long Biên (Ba Đình) phải tiến hành phong tỏa 2 quầy hàng bán thủy sản do tiểu thương chợ này dương tính với SARS-CoV-2. Đáng chú ý, ổ dịch lớn và diễn biến phức tạp nhất là Thanh Xuân Trung. Ngày 24/8, UBND quận Thanh Xuân quyết định phong tỏa cách ly y tế tạm thời ngõ 328 và 330 đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân Trung) do ngày 23/8 qua sàng lọc phát hiện 4 trường hợp mắc COVID-19 tại địa phương trên. Đến ngày 15/9, ổ dịch này ghi nhận hơn 500 ca dương tính SARS-CoV-2. Hàng nghìn người dân ở đây phải di dời khỏi nơi ở để giảm mật độ dân số, giảm sự lây nhiễm chéo...

Chú thích ảnh
Học sinh Trường tiểu học Thịnh Liệt (Thanh Trì) trong ngày đầu tiên đến trường. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội đã liên tiếp thực hiện các đợt giãn cách, với khoảng thời gian gần 60 ngày trong đợt dịch lần thứ 4 từ 24/7 – 15/9/2021. Lúc bấy giờ, dù đã giãn các xã hội nhưng nhiều người dân Hà Nội tỏ ra vô cùng lo lắng, biểu cảm qua thuật ngữ: toang, bung, vỡ trận...Nhưng với việc thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế cùng nhiều cách làm sáng tạo, thích ứng linh hoạt, cách ly “3 lớp”, thần tốc tiêm chủng, xét nghiệm…, Hà Nội đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, đưa thành phố về trạng thái bình thường mới. Hiện thành phố đã gần chạm ngưỡng 4.000 ca mắc COVID-19/ngày. Tuy nhiên, trái hẳn với trước đây “ai ở đâu ở đấy”, thì nay tại Hà Nội các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, thể thao, du lịch, vận tải, ăn uống... đã hoạt động trở lại.

Đến mở cửa thích ứng khát vọng phát triển

Có được điều trên là Hà Nội đã định hình một tâm thế mới để đối phó với “giặc” COVID-19. Nói như thế không có nghĩa tự tin thái quá, nhưng qua số liệu của thành phố: tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt hơn 99%, tiêm phủ mũi 3 cũng đạt hơn 57%, cho thấy nhận định trên hoàn toàn có cơ sở và thuyết phục. Đặc biệt, thành phố đã triển khai quyết liệt chiến dịch tiêm vét đối với những người chưa tiêm vaccine, người cao tuổi và người có bệnh nền. Đây là biện pháp có ý nghĩa rất quan trọng giúp giảm thiểu rủi ro về tính mạng cho người dân, từ đó tạo lòng tin cho cán bộ và nhân dân để định hình một tâm thế mới.

Đáng chú ý ở lĩnh vực giáo dục, Hà Nội là một trong những địa phương có hệ thống các trường lớp từ Mầm non đến Đại học lớn nhất cả nước, nên vô cùng nhạy cảm và liên quan tới hầu hết các gia đình nhưng đã từng bước mở cửa trở lại. Trước tiên ở khối Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông với các “kịch bản” ứng phó tình huống trường, lớp ghi nhận F0. Ngày 15/2, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 432 gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, UBND các quận về việc từ ngày 21/2 cho học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 12 quận trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19.

Lĩnh vực văn hóa, du lịch, các khu vui chơi giải trí, lễ hội, danh lam thắng cảnh đã được đón khách nhưng theo quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế khuyến nghị.

Ngay từ sáng sớm 16/2, khi Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương huyện Mỹ Đức) mở cửa, nhiều du khách đã đổ về bến đò tại suối Yến, mua vé thăm quan vãn cảnh tại khu danh thắng đệ nhất trời Nam. Trên dòng suối Yến và các điểm tham quan, lực lượng chức năng địa phương thường xuyên tuần tra nhắc nhở các chủ đò cũng như du khách đảm bảo đúng quy định về phòng, chống dịch. Từ ngày 11/2 đến nay, chùa Hương đã đón khoảng 1,5 vạn lượt khách tham quan, vãn cảnh. Từ tín hiệu trên, Thủ đô kỳ vọng ngành “kinh tế xanh”, sau 2 năm "đóng băng" vì COVID-19, sẽ vào bước giai đoạn phục hồi và phát triển mới. Một “kịch bản” hoành tráng khi Hà Nội đặt mục tiêu năm 2022 đón và phục vụ từ 9-10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2 -2 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 27,84 - 35,84 nghìn tỷ đồng.

Còn trong sản xuất, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, trên nguyên tắc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, nên doanh nghiệp thành phố đã xác định “sống chung” với dịch. Sau Tết Nguyên đán, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đã bắt tay vào hoạt động với khát vọng phát triển. Hệ thống xe bus, taxi, xe công nghệ đã phủ kín các vùng quê và hành khách không còn ngồi giãn cách như trước.

Để “hà hơi”, tiếp sức cho các doanh nghiệp phục hồi, thành phố Hà Nội và UBND cấp quận, huyện đã chuyển 1.247 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay; riêng UBND thành phố Hà Nội đã chuyển bổ sung 1.050 tỷ đồng, trong đó dành riêng 500 tỷ đồng để ưu tiên cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vay phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. Cùng với đó, việc miễn, giãn thuế, bảo hiểm xã hội cũng được thành phố triển khai một cách nhanh chóng và hiệu quả, giúp các doanh nghiệp lấy lại đà “hồi sinh”, tăng trưởng.

Hàng ngày, Sở Y tế Hà Nội vẫn phát đi bản tin với hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Những thông tin đó được nhìn nhận như lời nhắc nhở mọi người dân không chủ quan, hoang mang, lơ là trong phòng, chống dịch. Do định hình một tâm thế mới nên trong nhà nhiều hộ dân Thủ đô hiện nay đã có những bộ test nhanh COVID-19...., nhằm chủ động đối mặt với dịch bệnh.

Mạnh Khánh/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›