(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 19/6, Tập đoàn Công nghệ sinh học và dược phẩm BioCubaFarma của Cuba dẫn dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối, cho biết vaccine Soberana 2 do nước này sản xuất cho hiệu quả phòng COVID-19 lên đến 62% chỉ với 2 trong số 3 liều tiêu chuẩn.
Ông Vicente Vérez, Giám đốc Viện Vaccine Finlay, cơ quan phát triển vaccine Soberana 2, nhấn mạnh: “Trong vài tuần nữa chúng tôi sẽ có kết quả về hiệu quả khi tiêm đủ 3 liều mà chúng tôi kỳ vọng là sẽ còn cao hơn”.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Cuba đang đối mặt với đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ đầu dịch COVID-19 do sự xuất hiện của các biến thể mới dễ lây. Cuba hiện có 5 ứng cử viên vaccine phòng COVID-19 đang được thử nghiệm lâm sàng, trong đó có hai loại - Soberana 2 và Abdala – đang được thử nghiệm giai đoạn cuối.
- Dịch Covid-19 thế giới đến sáng 20/6: Brazil đã trở thành nước thứ 2 trên thế giới có số ca tử vong cao nhất
- Dịch Covid-19: Nhu cầu tiêm vaccine tại thủ đô Ấn Độ giảm mạnh
- Dịch Covid-19: Brazil ghi nhận trên 500.000 ca tử vong
Theo số liệu chính thức, số ca nhiễm hằng ngày ở thủ đô La Habana đã giảm một nửa kể từ khi nước này bắt đầu chiến dịch tiêm chủng quốc gia, cùng với các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn được áp đặt.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, hơn 75% người Canada đủ điều kiện, trên 12 tuổi đã nhận được ít nhất một mũi tiêm vaccine phòng COVID-19, trong khi hơn 20% đã được tiêm chủng đầy đủ. Theo COVID-19 Tracker Canada, quốc gia Bắc Mỹ này đã chạm ngưỡng 75% trên vào tối 18/6 (giờ địa phương) với 25.029.378 người Canada được tiêm một liều vaccine. Đến chiều 19/6, Canada đã tiêm đủ liều cho 20% dân số đủ điều kiện được tiêm hai mũi. Đến nay, tổng số 31.735.308 liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm trên cả nước.
Như vậy, Canada đã hoàn thành mục tiêu đầu tiên do Cơ quan Y tế công cộng nước này đưa ra vào đầu tháng 5/2021. Vào thời điểm đó, các quan chức y tế liên bang đã công bố một lộ trình để đưa cuộc sống dần trở lại bình thường vào mùa Xuân, mùa Hè và mùa Thu.
Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo vào tuần trước, người đứng đầu Cơ quan Ytế công cộng của Canada, Tiến sĩ Theresa Tam cho biết các biến thể được sử dụng để xây dựng các mô hình dịch bệnh trước đó không bao gồm biến thể Delta, biến thể lây nhiễm nhiều và được cho là gây ra bệnh nặng hơn. Biến thể Delta được dự báo sẽ trở thành biến thể "thống trị" trên khắp đất nước.
Biến thể Delta, còn được gọi là B.1.617.2, lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ vào mùa Thu năm ngoái. Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về khả năng B.1.617.2 trở thành biến thể phổ biến nhất trên quy mô toàn cầu. Biến thể này đã có mặt tại 10 tỉnh và một vùng lãnh thổ của Canada và đã được Bộ Y tế Canada liệt kê là một biến thể cần quan tâm.
Theo một nghiên cứu gần đây của Scotland, biến thể Delta có thể tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân COVID-19 khi so sánh với biến thể Alpha lần đầu tiên được phát hiện ở Vương quốc Anh. Hai liều vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ trước biến thể Delta, mặc dù không mạnh bằng khả năng chống lại biến thể Alpha. Theo nghiên cứu, 2 tuần sau liều thứ hai, vaccine Pfizer/BioNTech cung cấp 79% khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm từ biến thể Delta, so với 92% đối với biến thể Alpha. Với vaccine của AstraZeneca, có 60% khả năng bảo vệ chống lại Delta so với 73% đối với Alpha.
Theo Tiến sĩ về bệnh truyền nhiễm Isaac Bogoch, kế hoạch mở cửa trở lại của Canada cần được tiếp cận rất cẩn thận. Tính trên quy mô toàn quốc, Canada đã ghi nhận hơn 1,4 triệu ca mắc COVID-19, với hơn 26.000 ca tử vong.
TTXVN
Tags