(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 8/5, Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Brazil (INPE) đưa ra số liệu thống kê cho thấy diện tích rừng Amazon bị tàn phá tại nước này trong 4 tháng đầu năm nay đã lên tới hơn 1.202 km2, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức kỷ lục ghi nhận trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 kể từ năm 2016.
Chỉ riêng năm 2019, các vụ hỏa hoạn đã làm mất đi 10.123 km2 rừng ở khu vực Amazon của Brazil, lần đầu tiên trong vòng hơn một thập kỷ vượt mốc 10.000 km2 được ghi nhận vào năm 2008. Các nhà phân tích cho biết vấn đề cháy rừng trong năm 2020 thậm chí còn đáng lo ngại khi mà mùa khô tại Brazil chỉ thực sự bắt đầu từ tháng 5.
Ngày 7/5, Tổng thống Jair Bolsonaro đã ký một sắc lệnh triển khai các Lực lượng vũ trang của nước này để chống lại nạn phá rừng và đối phó với các vụ hỏa hoạn tại các khu vực được bảo vệ, khu bảo tồn bản địa và các vùng đất liên bang khác nằm trong khu vực Amazon. Tuy nhiên, các nhóm môi trường lập luận rằng sẽ hiệu quả hơn nếu Chính phủ tăng ngân sách và số lượng quan chức trong các cơ quan môi trường.
Với diện tích khoảng 7 triệu km2, Amazon là khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải carbon dioxide. Được xem là "lá phổi xanh" của hành tinh, Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất, là nơi trú ngụ của khoảng 1 triệu thổ dân của 500 bộ lạc cũng như là "ngôi nhà" của hơn 3 triệu loài động, thực vật.
60% diện tích rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil và diện tích còn lại của cánh rừng này trải dài qua 8 nước và vùng lãnh thổ khác gồm Bolivia, Colombia, Guiana thuộc Pháp, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela.
Ngọc Tùng/TTXVN
Tags