(Thethaovanhoa.vn) - Việc sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (ăn chay) có lợi cho sức khỏe thì ai cũng nhận thức được. Tuy nhiên, ăn chay đúng cách là một khoa học, và cả nghệ thuật.
Những lợi ích không thể phủ nhận từ việc ăn chay
Các nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng đều chỉ ra rằng các thực phẩm chay, thành phần gồm nhiều chất xơ, ít cholesterol vàgiàu vitamin nên rất tốt cho sức khỏe. Ăn chay có thể giúp cơ thể phòng ngừa và hỗ trợ điều trị rất nhiều bệnh lý mãn tính liên quan đến ăn uống như béo phì, cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch...
Thức ăn chay vẫn đảm bảo cung cấp cho cơ thể đầy đủ các chất dinh dưỡng cơ bản nhất như chất bột, chất béo, chất đạm, chất xơ. Quan trọng hơn, thức ăn chay thường cung cấp nhiều loại vitamin, muối khoáng, vi chất và các chất xơ nên rất tốt cho hệ tiêu hóa. Vì những lợi ích không thể phủ nhận trên, ăn chay ngày càng trở thành một khuynh hướng thịnh hành ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nguy cơ từ việc ăn chay không đúng cách
Để chế biến được những món chay phong phú cho một bữa ăn chay đủ dinh dưỡng là không hề đơn giản, đòi hỏi người đầu bếp phải giàu kiến thức về dinh dưỡng và kinh nghiệm về nấu ăn. Ngày càng nhiều người tự chế biến các món chay trong gia đình, nhưng nếu bữa ăn chay quá đơn điệu thì nguy cơ thiếu chất là rất cao. Những người ăn chay thiếu chất đạm thường xuyên có thể gây ra các chứng biếng ăn, nhão - giảm trương lực cơ, dễ nhiễm trùng.
Trẻ em, thanh thiếu niên đang độ tuổi lớn, phụ nữ mang thai và cho con bú, bệnh nhân trong giai đoạn cần dinh dưỡng phục hồi bệnh... là những đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng cao, nếu ăn uống thiếu chất sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng và sức khỏe. Việc không sử dụng các thức ăn có nguồn gốc động vật (như thịt, cá, trứng, gan, hải sản...) giàu sắt, kẽm, vitamin B12 thường dẫn tới các trường hợp cơ thể bị thiếu máu, hay quên, rụng tóc, đau khớp, dễ cảm lạnh, cảm cúm...
Mặt khác, do thức ăn chay tiêu hóa nhanh nên người ăn có cảm giác mau đói, nên một số người ăn chay ăn quá nhiều bột, đường và dầu béo có năng lượng cao dẫn đến nguy cơ bị tình trạng tăng cân, thừa cân, béo phì.Nhiều nhóm thực phẩm chay như đậu nành, lạc, gạo lứt, đậu phộng, ngũ cốc... rất giàu năng lượng, có hàm lượng chất đạm (protein), chất béo (cholesteron) cao nhưng lại thiếu một số acid amin thiết yếu dẫn đến việc mất cân bằng dinh dưỡng, làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Ăn chay thế nào để tốt cho sức khỏe?
Ăn chay đúng cách sẽ là một phương pháp giúp phòng ngừa nhiều bệnh tật. Ăn chay đúng cách nên ăn đủ 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ để cung cấp đủ năng lượng. Các món ăn trong bữa chính phải đủ các nhóm chất: Bột đường, đạm dầu và rau trái. Các bữa ăn cần đa dạng và thay đổi món thường xuyên.
Bữa ăn luôn cần có rau, trái cây để có nguồn vitamin C giúp hấp thu chất sắt trong thức ăn. Việc ăn chay không nên rập khuôn mà tùy thuộc với nhu cầu mỗi người, cần có sự cân đối hài hòa dinh dưỡng giữa ăn chay và ăn mặn mới có lợi cho sức khỏe.
Những người có nhu cầu đặc biệt, như trẻ em đang tuổi lớn, bà mẹ mang thai hay cho con bú hoặc người bệnh mới lành, thì không nên ăn chay trường vì sẽ bị thiếu dinh dưỡng. Những người ăn chay trường hoặc người có nhu cầu dinh dưỡng cao nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên để có thể uống bổ sung các vi chất như sắt, vitamin... theo chỉ định của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Một số nhà hàng chay nức tiếng Hà Thành 1. Nhà hàng Bồ Đề Tâm, số 68 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình và số 89 Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa 2. Nhà hàng Trúc Lâm Trai, 39 Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng 3. Nhà hàng Thiện Phát, số 91 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm 4. Nhà hàng Minh Chay, Số 9 Ấu Triệu, quận Hoàn Kiếm 5.Nhà hàng Việt chay Thăng Long, số 1 ngõ 26 Nam Thành Công, quận Đống Đa, gần đài Truyền hình Hà Nội 6. Nhà hàng chay Nàng Tấm, số 79A Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội 7. Nhà hàng Chay Tâm Thành: số 150 đường Láng, quận Đống Đa; số 265 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ và 109 B2 khu tập thể trường đại học Sư Phạm quận Cầu Giấy. |
Quốc Hưng
Thể thao & Văn hóa