Nhưng hiện nay, tình hình có vẻ đảo chiều, mà thua thiệt nặng đang dồn về các DN Việt Nam.
Dính đòn “hồi mã thương”
Một Cty chế biến - XK điều ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang vất vả với lô hàng 4 container điều nhân xuất qua Australia. Gần 1 tháng nay, Cty vẫn chưa thỏa thuận được giá bán với đối tác là Cty Scalzo, trong khi đó, hàng lưu kho bãi từng ngày, DN phải chịu mức phí quá cao. Đầu năm 2008, khi giá điều nhân cao ngất ngưỡng, Cty này không giao hàng đúng hẹn cho Scalzo, buộc Scalzo phải mua hàng của DN khác với giá cao hơn, dẫn tới thua lỗ. Gần đây, Cty ở BR - VT tiếp tục bán hàng cho Scalzo, với giá gốc ký trong hợp đồng là 2.26 USD/lb Fob. Nhưng sau đó, Cty buộc Scalzo nâng giá mua từ 2.26 USD lên 2.36 USD, rồi tiếp tục lên 2.60 USD/lb Fob. Khi hàng sang tới Australia, bất ngờ, Scalzo không chấp nhận giá 2.60 USD, mà yêu cầu Cty này phải bán với giá rẻ mạt (1.70 USD), Scalzo mới nhận hàng. Đây mới là một trong vô số trường hợp DN XK điều VN đang phải đối mặt. Bán tháo với giá rẻ mạt, DN lỗ nặng. Nhưng không bán, hàng để lâu bị hư hỏng hoặc phải trả phí lưu kho bãi nơi xứ người, cũng khiến DN điêu đứng.
Tương tự, một số Cty XK điều khác cũng đang bị đối tác trả đũa nặng nề theo cách trên. Theo một nhà môi giới trong lĩnh vực này, hầu hết các DN Việt Nam bị trả đũa gần đây đều dính dáng tới việc “xù” hợp đồng, hay chậm giao hàng cho phía nước ngoài cách đây vài tháng. Nắm bắt được giá điều đang xuống, cộng với áp lực trả nợ ngân hàng của các DN Việt Nam, phía nước ngoài không thực hiện các hợp đồng đã ký, mà ép DN Việt Nam phải xuống giá mới xem xét. Láu cá hơn, họ để cho các DN xuất hàng lên tàu rồi, chứng từ gửi đi xong, họ mới thông báo cho phía VN là không thanh toán hàng, buộc phải hạ giá bán họ mới nhận hàng khi tàu cập cảng. Thậm chí, có trường hợp DN Việt Nam quá khó khăn, năn nỉ hạ giá bán, phía nước ngoài cũng bỏ mặc, không lấy hàng. Hậu quả, có những container hàng nằm phơi mưa phơi nắng từ 2 – 3 tháng ở cảng nước ngoài… Chẳng đặng đừng, DN Việt Nam phải bay sang điều đình, hạ giá, bán đổ bán tháo mới có tiền trả phí lưu kho, lưu bãi…
Một giám đốc DN chế biến điều ở Bình Phước cho biết: Hiện tượng trả đũa DN XK điều diễn ra ồ ạt ở Mỹ, châu Âu và cả ở Australia. Phía nước ngoài chỉ trả đũa những DN trước đây từng chậm giao hàng, hay “xù” hợp đồng với họ. Các DN Việt Nam, biết rất rõ khách hàng đang chơi khăm, nhưng không DN nào dám phản đối; bởi bản thân họ cũng từng… chơi không đẹp. Việc trả đũa này, càng làm giá điều nhân XK xuống thấp kinh khủng. Loại điều W320, trước đây có giá 3.60 USD/lb Fob, nay chỉ còn 2.45 USD/lb Fob. Người ta tạm tính, cứ một container điều nhân XK hiện nay, các DN XK điều mất trắng từ 40.000 – 50.000 USD so với cùng kỳ năm trước. Chưa nói, xuất hàng đi rồi, thấy lỗ trước mắt, nhưng các DN không khỏi lo âu, liệu phía nước ngoài có thanh toán tiền hay không ? Dù phía nước ngoài mở L/C, nhưng cũng có trường hợp, họ vẫn từ chối thanh toán với nhiều lý do khác nhau.
Bài học xương máu
Mới đây, Vinacas đã có công văn khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và NHNN kiến nghị lùi thời hạn thanh toán thuế thu nhập cho DN chế biến và XK điều năm 2008 đến hết tháng 6/2009, giảm lãi suất vay VND và USD xuống bằng mức cho vay năm 2007 và gia hạn nợ vay cho các DN điều từ quý 4/2008 đến quý 1/2009. Theo một chuyên gia trong ngành điều, các yêu cầu trên là cấp bách và rất cần thiết cho các DN chế biến – XK điều trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Thế nhưng, bản thân các DN qua hiện tượng trả đũa của đối tác nước ngoài đang diễn ra, cũng phải nghiêm khắc nhìn nhận và chấn chỉnh lại mình. Nếu như không có chuyện chậm giao hàng hoặc “xù” hợp đồng thì làm sao có chuyện phía đối tác trả đũa các DN XK điều VN như hiện nay? Đây là bài học đắt giá không chỉ riêng DN ngành điều mà còn cho nhiều DN ở các ngành khác trong qúa trình giao thương quốc tế.
Năm 2008, ngành XK điều VN đã bị 2 cú “sốc” khá nặng là lãi suất ngân hàng cao và giá điều sụt giảm, đã đẩy nhiều DN vào khốn khó. Theo báo cáo mới đây của Vinacas, trong tháng 9/2008, ngành điều XK được 15.681 tấn nhân điều, đạt kim ngạch XK 91,7 triệu USD. So với tháng 8/2008, con số trên giảm 6,61% về lượng và giảm 9,72% về giá trị. Nhiều DN XK điều sau khi hạch toán chi phí sản xuất, nguyên liệu, tiền lương, lãi vay ngân hàng… hoàn toàn không có lãi, thậm chí có dự báo, trong năm 2009 sắp tới, nhiều nhà máy sẽ bị lỗ nặng, dẫn tới phá sản.
Hơn lúc nào hết, các DN chế biến và XK điều VN phải nỗ lực vượt khó, không cho phép để xảy ra bất kỳ một sai sót nào, nhất là trong kinh doanh, làm ăn với phía nước ngoài trên thương trường quốc tế. Mọi hành vi không tuân thủ luật chơi công bằng đều dẫn tới những thiệt hại lớn, không chỉ riêng với DN XK điều, mà còn ảnh hưởng xấu tới uy tín của các DN Việt Nam. Đó là một bài học nhãn tiền.