Động đất - thêm một nguyên nhân làm trái đất nóng lên

Thứ Hai, 29/07/2013 16:19 GMT+7

Google News

Theo một nhóm các nhà khoa học Đức và Thụy Sĩ, động đất có thể làm thủng các túi khí metan khổng lồ dưới đáy biển, trong khi đây là một trong những loại khí gây hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên.

Các nhà khoa học ngành hàng hải trong chuyến nghiên cứu năm 2007 đã tìm thấy bằng chứng này trong lõi các mảng trầm tích lắng đọng ở đáy vùng biển phía Bắc Biển Arap. Cụ thể, ở độ sâu 1,6 mét dưới lòng đáy biển, bên trong các mảng trầm tích có nước và thành phần mêtan hydrate - metan ở thể rắn có cấu trúc tinh thể giống như băng.

Nhóm chuyên gia Đức và Thụy Sĩ còn phát hiện thành phần nước và chất khoáng barite hội tụ bên trong các lớp trầm tích. Theo nhà nghiên cứu David Fisscher thuộc Viện Nghiên cứu MARUM của Đại học Tổng hợp Bremen (Đức), ông và các đồng nghiệp đã lục tìm trong nhiều tài liệu và thấy rằng năm 1945, một trận động đất mạnh tới 8,1 độ Richter đã xảy ra ở khu vực này. Và dựa trên những số liệu mới, họ nhận định rằng trận động đất đó đã làm đứt gãy các mảng trầm tích, dẫn đến làm thoát khí metan.

Ước tính, khoảng 7,4 triệu mét khối khí metan, tương đương với 10 tàu chở khí ga tự nhiên lớn, đã trào lên bề mặt biển trong vài thập kỉ vừa qua. Theo các tác giả nghiên cứu, lượng khi mêtan khổng lồ này là mối hiểm hoại rất lớn đối với khí hậu trái đất.

Theo số liệu được đăng tạp chí Tự nhiên (Nature) của Anh hồi tuần trước, việc rò rỉ 50 tỉ tấn khí mêtan ngoài bờ biển phía Đông Siberia thuộc Bắc Cực, nơi được coi là một trong những điểm nóng gây ra hiện tượng nóng lên của Trái Đất, có thể gây thiệt hại tương đương với toàn bộ sản lượng kinh tế (GDP) toàn cầu.

TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›