Để tạo cho các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh góp phần vào các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài, tỉnh Đồng Tháp đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Đó là, Công ty cổ phần NovaGroup, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt, Tập đoàn Masterise, Tập đoàn Everland… Các dự án đang trong giai đoạn lập quy hoạch, đề xuất chủ trương đầu tư.
Tỉnh Đồng Tháp cũng tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp nắm chắc các quy trình để tận dụng các cơ hội, khắc phục những hạn chế, thách thức, khai thác, phát huy tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, nhất là các FTA thế hệ mới.
Tỉnh tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới; tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu hàng nông sản kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Tỉnh cũng tăng cường thông tin dự báo thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, chính sách, tập quán buôn bán của các thị trường để các hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường hiệu quả.
Tỉnh Đồng Tháp dự báo tình hình xuất khẩu trong thời gian tới sẽ duy trì được đà tăng trưởng nhờ tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt ở Việt Nam và các nước là thị trường nhập khẩu chủ yếu hàng hoá Việt Nam.
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực đã mở rộng hơn cánh cửa cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các quốc gia thành viên. Ngoài ra, các FTA thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hiệp định thương mại tự do đã và đang bước vào giai đoạn cắt giảm mức thuế quan lớn hơn, ưu đãi nhiều hơn nên càng tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp ở Đồng Tháp xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng qua của tỉnh Đồng Tháp đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng 58,42% so với cùng kỳ năm 2021. Hầu hết các mặt hàng có giá trị xuất cao như: thủy sản tăng 0,72% về khối lượng và tăng 3 48,3% về giá trị; gạo tăng 72,93% khối lượng và tăng 77,39% về giá trị; bánh phồng tôm tăng 15,76% về khối lượng và tăng 22,17% về giá trị; sản phẩm may tăng 75,99% về giá trị…
Theo ông Nguyễn Văn Luận, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, về cơ cấu hàng xuất khẩu trong 9 tháng qua chủ yếu vẫn là hàng thủy sản chế biến hơn 24 nghìn tấn, gạo hơn 47 nghìn tấn, bánh phồng tôm hơn 1.200 tấn - chiếm tỷ lệ cao trong xuất khẩu. Nếu xét theo từng khu vực kinh tế thì kinh tế tư nhân là khu vực có giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất 69,87% trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh 9 tháng năm 2022.
- Đồng Tháp: Xác lập kỷ lục về chế biến và công diễn các món ăn làm từ sen nhiều nhất Việt Nam và Thế giới
- Đồng Tháp: Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Tân Nhuận Đông được xếp hạng Quốc gia
Các thị trường xuất khẩu truyền thống được giữ vững và có sự dịch chuyển nhẹ từ thị trường các nước châu Á sang các nước châu Âu; xuất khẩu nông sản cũng ghi nhận bước tiến mới khi xuất khẩu thành công lô xoài đầu tiên sang thị trường châu Âu.
Ông Nguyễn Văn Luận cho biết thêm, hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều có xu hướng phục hồi và phát triển tích cực. Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, năng lực sản xuất gia tăng tạo ra nguồn cung hàng hóa và nguyên liệu khá dồi dào đáp ứng nhu cầu thị trường.
Kết quả trên là thành quả của hàng loạt các chính sách, giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch COVID-19 được tập trung thực hiện đồng bộ và khẩn trương.
Thêm vào đó, tỉnh đã tạo được sự thống nhất trong nhận thức và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nguyễn Văn Trí/TTXVN
Tags