(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà bảo tồn động vật hoang dã cảnh báo rằng những kẻ săn trộm và buôn bán động vật quý hiếm ở châu Á đang coi phương tiện truyền thông xã hội là nơi giao dịch hiệu quả.
- ‘Ăn theo’ World Cup, vườn quốc gia Brazil đặt tên cầu thủ cho động vật hoang dã để hút khách
- Nhiều tờ báo vô tình cổ súy tiêu thụ động vật hoang dã
- Hà Nội nghiêm cấm mua, bán, tặng các sản phẩm động vật hoang dã
Những loài động vật hiếm, có vẻ ngoài kỳ lạ như chim mỏ sừng (ảnh) được lùng mua nhiều trên mạng xã hội. Ảnh: Daily Mail
Những cảnh báo trên được đưa ra trong một bản báo cáo về tình hình buôn bán động vật hoang dã do quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phát hành nhân ngày Thế giới bảo vệ động vật hoang dã (3/3).
"Rõ ràng là những kẻ buôn bán trái phép đang tận dụng những phương pháp bán hàng phi truyền thống, như sử dụng các phương tiện trực tuyến và truyền thông xã hội để tránh bị phát hiện. Bằng cách đó, họ có thể tiếp cận với người mua ở phạm vi rộng lớn hơn và tăng cường hiệu quả giao dịch" - báo cáo cho biết.
Số lượng người dùng Instagram, Facebook cũng như tham gia các diễn đàn trực tuyến có sử dụng mật khẩu để tiếp cận khách hàng châu Á đang tăng dần, báo cáo cho biết thêm. Chỉ tính riêng một tháng trong năm qua tại Trung Quốc, hàng nghìn chiếc ngà voi, 77 sừng tê giác và một lượng lớn các loài chim quý hiếm đã được rao bán trên QQ và WeChat, các trang xã hội khá phổ biến ở nước này.
"Mạng lưới thương mại động vật hoang dã đang ngày càng tinh vi và phức tạp" - Dionysius Sharma, Giám đốc WWF Malaysia nói - "Chúng ta cần đi trước một bước và đưa ra các giải pháp sáng tạo để giải quyết tận gốc vấn đề này".
Khi thực hiện một đợt theo dõi kéo dài 50 giờ vào năm ngoái, các chuyên gia phát hiện ra 14 nhóm buôn bán động vật hoang dã nhắm tới khách hàng ở Malaysia, nơi có tỷ lệ người dùng Facebook cao. Có tới 67.500 thành viên tham gia vào 14 nhóm này.
Trong khoảng thời gian được quan sát, những kẻ buôn lậu đăng hơn 200 bài để thu hút người mua, với nội dung rao bán nhiều loài động vật hoang dã khác nhau, từ chim quý hiếm đến đười ươi và gấu chó.
Thường thì các hình ảnh chào bán động vật sẽ được tải lên Facebook, Instagram, và các trang web khác, trong khi quá trình thương lượng giá cả, địa điểm diễn ra trên các nền tảng như WhatsApp tại Malaysia và BlackBerry Messenger ở Indonesia.
"Các giao dịch diễn ra có vẻ khá thoái mái, những kẻ chào bán sẵn sàng để lại thông tin cá nhân và hẹn giao hàng đến tận nhà người mua" - trích thông tin từ báo cáo.
Các nhóm Facebook này có thể nhanh chóng đổi tên hoặc dừng hoạt động nếu cảm thấy bị pháp luật để ý.
Các hoạt động thương mại vật nuôi kỳ lạ cũng đang trên đà phát triển, Elizabeth John, một phát ngôn viên của nhóm nghiên cứu thuộc Quỹ này, cho biết: "Nuôi chó, mèo dường như là không đủ với một số người. Họ muốn nuôi những thú cưng có vẻ ngoài kỳ lạ" - cô nói và cho biết thêm rằng cu li, một loài động vật linh trưởng đang bị đe dọa ở Đông Nam Á, là một trong những thú cưng được yêu thích tại Malaysia.
Cu li cũng nằm số những con vật được tìm mua nhiều nhất ở châu Á. Ảnh: Daily Mail
Hiện WWF đã làm việc với các cơ quan chức năng tại nhiều quốc gia các nhà mạng xã hội như Facebook về vấn đề này. Báo cáo cũng dẫn lời một phát ngôn viên của Facebook, nói rằng mạng xã hội này không cho phép các hoạt động như vậy tồn tại trên trang web của mình và "cam kết sẽ hợp tác để giúp giải quyết vấn đề".
Một phát ngôn viên của Sở động vật hoang dã và Công viên quốc gia Malaysia cho biết các cơ quan chức năng cũng đang đang nỗ lực trong cuộc chiến chống lại vấn nạn này: "Từ năm 2014, chúng tôi đã tiến hành nhiều đợt truy quét đặc biệt, bắt giữ những kẻ buôn lậu và cứu thoát các loài động vật hoang dã" cô nói, nhưng không cung cấp chi tiết cụ thể.
Duy An
Theo Daily Mail
Tags