Ngày 14/7, thành viên ban điều hành Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Thống đốc Christopher Waller cho biết ông có thể ủng hộ tăng lãi suất ở mức 1 điểm % vào tháng này - mức tăng mạnh nhất trong hơn 30 năm, dấu hiệu cho thấy FED đang quyết tâm chống lạm phát cao.
Mặc dù chi phí vay nợ và giá cả gia tăng làm dấy lên quan ngại về nguy cơ rơi vào lạm phát, song ông Waller bày tỏ tin tưởng rằng nền kinh tế Mỹ có thể tránh được nguy cơ này nhờ thị trường lao động vững mạnh.
Vào tháng 3, FED đã bắt đầu tăng mạnh chi phí vay nợ nhằm hạ nhiệt nhu cầu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine tác động đến nguồn cung thực phẩm và dầu mỏ, các biện pháp phong tỏa do dịch COVID-19 tại Trung Quốc ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, đến nay, các số liệu cho thấy tình hình chưa cải thiện.
Thậm chí, Bộ Lao động Mỹ tuần này cho biết chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 6 tăng tới 9,1% - mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Chi phí khí đốt, thực phẩm và nhà cửa leo thang đã khiến tài chính của các gia đình Mỹ trở nên eo hẹp, tạo thêm sức ép đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi tỷ lệ ủng hộ ông giảm đi do giá cả không ngừng tăng.
Trước đó, ông Waller đã ủng hộ việc tăng 75 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra vào tháng này, song trong tuyên bố mới nhất, ông khẳng định sẽ xem xét các báo cáo chủ chốt về doanh số bán lẻ và nhà ở trước thềm cuộc họp.
Phát biểu tại một hội thảo kinh tế, ông Waller nhấn mạnh nếu các số liệu tốt hơn kỳ vọng, ông sẽ nghiêng về phương án tăng lãi suất cao hơn. Ông nhận định cho đến nay, các động thái của FED đã phản ánh tốc độ siết chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất trong gần 30 năm qua và quyết định tăng mạnh lãi suất vào tháng trước không phải là "phản ứng thái quá" khi lạm phát không ngừng tăng từ đầu năm.
Theo ông, trong bối cảnh lạm phát cao như hiện nay, FED sẵn sàng siết chặt chính sách tiền tệ. Việc tăng lãi suất nhanh sẽ giúp tăng lòng tin của người dân về khả năng kiểm soát lạm phát của chính phủ.
Bên cạnh đó, ông Waller đánh giá năm ngoái, FED đã sai lầm khi cho rằng xu hướng tăng giá chỉ là tạm thời, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 sẽ nhanh chóng được giải quyết. Theo ông, các nhà hoạch định chính sách cần hành động sớm hơn nhằm bắt đầu dỡ bỏ gói kích thích, thông qua việc giảm tốc quá trình mua lại trái phiếu quy mô lớn, vốn nhằm hỗ trợ hệ thống tài chính trong thời gian kinh tế đi xuống do COVID-19.
Tuy nhiên, ông cũng lạc quan cho rằng Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái do thị trường lao động vững mạnh với tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp nhất trong 7 thập kỷ.
- Chứng khoán Mỹ đi lên sau khi Fed quyết định tăng lãi suất
- Lạm phát cao kỷ lục, liệu Fed có cần nâng lãi suất mạnh hơn?
- Chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ ba liên tiếp nhờ kết quả cuộc họp của Fed
Dự kiến Chính phủ Mỹ sẽ công bố doanh thu bán lẻ tháng 6 trong ngày 15/7 và doanh thu bán nhà vào ngày 26/7 tới, cũng là ngày đầu tiên diễn ra cuộc họp chính sách của FED. Đây sẽ là những số liệu quan trọng cho thấy cách thức người tiêu dùng phản ứng trước xu hướng tăng lãi suất.
Đặng Ánh/TTXVN
Tags