Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên 14/10 và củng cố đà giảm của cả tuần, khi lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu năng lượng.
Phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 3,50 USD (tương đương 3,9%) xuống 85,61 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng giảm 2,94 USD (3,1%) xuống khép phiên ở mức 91,63 USD/thùng.
Ông Tyler Richey, quản lý cấp cao tại công ty nghiên cứu thị trường Sevens Report Research cho hay nhiều nhà phân tích và nhà kinh tế hiện đang xác định suy thoái kinh tế như triển vọng cơ bản của năm 2023 cho các ước tính nhu cầu đối với mọi hàng hóa, từ các sản phẩm năng lượng đến kim loại công nghiệp.
Ông cũng lưu ý rằng giá dầu mất khoảng một nửa mức tăng từ đầu tháng 10 trong tuần này, chủ yếu do sự thay đổi tiêu cực trong chính sách và triển vọng kinh tế làm giảm kỳ vọng nhu cầu năng lượng.
Tuy nhiên, với việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (OPEC +) trở nên nghiêm túc hơn với các biện pháp hỗ trợ giá trong tháng này, giá dầu có thể duy trì trong khoảng 70 – 80 USD/thùng trong thời gian tới.
Nhìn chung, thị trường dầu thé giới đã có một tuần không mấy thuận lợi.
Ngay trong phiên giao dịch đàu tuần 10/10, giá dầu thế giới giảm gần 2% sau năm phiên tăng liên tiếp, giữa những lo ngại về cuộc suy thoái toàn cầu và sự sụt giảm nhu cầu nhiên liệu. Chốt phiên này, giá dầu Brent giảm 1,73 USD (1,8%) xuống 96,19 USD/thùng. Còn giá dầu WTI giảm 1,51 USD (1,6%) xuống 91,13 USD/thùng.
Đà giảm tiếp tục kéo dài trong phiên giao dịch 11/10, sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo tăng trưởng toàn cầu chậm lại và 1/3 nền kinh tế trên thế giới có thể sẽ suy giảm vào năm nay và năm tới. Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 1,78 USD (2%) xuống 89,35 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng giảm 1,9 USD (2%) xuống 94,29 USD/thùng.
Sang phiên 12/10, giá dầu giảm phiên thứ ba liên tiếp khi lo ngại về nhu cầu yếu và lãi suất cao đã xóa nhòa phần nào những bất an về nguồn cung, sau động thái giảm sản lượng của OPEC hồi tuần trước. Giá dầu Brent phiên này mất 2,18 USD (tương đương 2,3%) xuống 92,11 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng mất 2,53 USD (2,8%) xuống 86,82 USD/thùng.
Giá dầu thế giới phiên 13/10 quay đầu tăng sau ba phiên giảm nhờ thông tin dự trữ nhiên liệu chưng cất tại Mỹ giảm. Chốt phiên 13/10, giá dầu ngọt nhẹ New York tăng 1,84 US (2,1%) lên 89,11 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng 2,12 USD (2,3%) lên 94,57 USD/thùng.
Dù vậy, với mức giảm mạnh trong phiên 14/10, giá dầu WTI đã mất 7,6% - đánh dấu tuần giảm đầu tiên trong ba tuần qua. Giá dầu Brent cũng lùi 6,4%.
Các nhà phân tích tại ngân hàng Commerzbank cho rằng những đánh giá tiêu cực về tăng trưởng nhu cầu trong báo cáo hàng tháng của OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hồi tuần này đã góp phần làm suy yếu hơn giá dầu. Dù vậy, mức giảm của giá “vàng đen” sẽ được hạn chế phần nào do nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt và OPEC+ khẳng định sẽ thực hiện các hành động nếu cần thiết để củng cố giá dầu.
Theo các nhà phân tích của Commerzbank, thị trường đang hướng tới trạng thái cân bằng mặc dù nhu cầu yếu hơn trong nửa đầu năm 2023 do việc cắt giảm sản lượng của OPEC + sẽ có hiệu lực từ tháng 11. Tiếp sau đó là tình trạng “cung không đủ cầu” trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia này cho rằng lập luận quan trọng nhất ủng hộ giá dầu tiếp tục tăng cao là thực tế rằng OPEC+ đã phát đi tín hiệu sẵn sàng làm mọi thứ trong khả năng để ngăn chặn bất kỳ sự sụt giảm giá rõ rệt nào. Thậm chí, nhóm này còn nhận định Saudi Arabia có vẻ coi liên minh với Nga trong bối cảnh này quan trọng hơn là thiện chí của Mỹ.
- Phiên 12/10, giá dầu châu Á giảm nhẹ
- Giá dầu thế giới giảm trước lo ngại nhu cầu chậm lại
- Giá dầu thế giới tăng mạnh trước động thái của OPEC+
Trong khi đó, các nhà giao dịch dầu mỏ cũng đang hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào ngày 16/10.
Chuyên gia Stephen Innes của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management cho hay kết quả của đại hội trên rất quan trọng đối với triển vọng chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Ông nói thêm rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có thể cắt giảm lãi suất do lạm phát thấp, nhưng chính sách tài khóa mới là chính yếu.
Theo ông Innes, Chính phủ Trung Quốc có thể đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn cho nền kinh tế, tập trung vào hỗ trợ tiêu dùng hơn là đầu tư. Thị trường dầu hoàn toàn có thể tăng dựa trên điều đó.
Nhưng sẽ khó xảy ra bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách kiểm soát dịch COVID-19 của nước này, vì chính phủ có vẻ sẽ không nới lỏng chúng cho đến đầu năm 2023. nhưng nhiều điều kỳ lạ đang xảy ra những ngày này. Ông thừa nhận đây là yếu tố nhiều biến số, nhưng không cho rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến giá dầu cho đến cuối năm 2023.
H.Thủy/TTXVN (Tổng hợp)
Tags