(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 16/3, trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc giảm giá xăng trong thời gian tới hay không phụ thuộc vào thị trường thế giới.
Bộ Công Thương cam kết, trong biên độ tăng cao của thế giới, Bộ sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền điều chỉnh tăng trong mức chấp nhận được.
“Và công cụ để thực hiện được điều này là Quỹ bình ổn, là thuế, phí, cuối cùng là áp dụng các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp các đối tượng chịu ảnh hưởng…”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Thời gian qua, giá dầu thế giới luôn tăng cao, nguồn cung trong nước bị thiếu hụt do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm sản lượng sản xuất vì gặp khó khăn về tài chính đã khiến việc kinh doanh xăng dầu trong nước có những “trục trặc”.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, phụ phí mỗi thùng dầu tăng từ 2 đến 3 lần so với năm 2021, dẫn đến nhiều doanh nghiệp, đầu mối nhập khẩu xăng dầu buộc phải giảm chiết khấu của các đại lý, giá bán của nhiều đại lý có thời điểm không đủ bù chi phí nên có hiện tượng có một số đại lý cửa hàng xăng dầu tư nhân găm hàng, treo biển hết xăng để chờ tăng giá, giá bán lẻ xăng dầu trong nước lên cao nhất trong 8 năm qua ảnh hưởng đến sản xuất, tăng trưởng kinh tế.
Để bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, giá xăng dầu thế giới biến động từng ngày theo chiều hướng tăng cao do đứt gãy nguồn cung, biên độ giá tăng từ 40 – 60%
Trong bối cảnh ấy, thị trường trong nước lại gặp khó khăn do liên doanh Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cung ứng từ 35-40% sản phẩm xăng dầu trong nước bị giảm đột ngột, từ 100% giảm xuống có lúc chỉ còn 55% và thường xuyên chỉ ở vận hành ở mức 70-80% công suất.
Trước tình hình như vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, từ đầu năm 2022, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp chỉ đạo nhập khẩu đủ sản lượng để bù vào thiếu hụt.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, hết Quý I năm 2022 vẫn bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu trong nước. Cụ thể là đến giữa tháng 2 thì cả nước vẫn còn trữ lượng khoảng 3 triệu m3 xăng dầu, đủ điều kiện đáp ứng nguồn cung đến hết tháng 3.
“Trong thời tới, các đầu mối của Bộ sẽ tăng cường nhập khẩu hơn mức bình thường (gấp đôi), từ 500 nghìn m3 lên khoảng 1 triệu m3 để bảo đảm dự trữ trong bối cảnh biến động phức tạp của thị trường thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Đặc biệt, về giá, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã điều hành theo đúng quy định của pháp luật, tức là 10 ngày/lần và bám sát giá thế giới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, giá xăng dầu thế giới đã tăng 40 - 46% so với 2021, nhưng trong nước mới tăng 29%, thấp hơn so với thế giới.
“So sánh như vậy để thấy rằng giá xăng dầu trong nước đã được điều hành linh hoạt và phù hợp, mức hỗ trợ hiện tại đang ở mức dao động từ 500 - 1500 đồng/lít xăng dầu. Gần đây, khi giá tăng cao, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan đã tham mưu Chính phủ kiến nghị Quốc hội giảm thuế môi trường, qua đó giảm giá xăng dầu, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế nhanh hơn. Cùng với đó, công tác thanh kiểm tra của ngành quản lý thị trường đã thực hiện ở hầu hết các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Cây xăng nào vi phạm thì đều bị xử lý nghiêm để răn đe…
“Chúng tôi cam kết Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nếu bảo đảm sản lượng từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn như cam kết thì lúc ấy mới dừng kế hoạch nhập khẩu dầu. Bộ Công Thương sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý triệt để vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Đức Dũng/TTXVN
Tags