Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science, việc không đạt được mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là hạn chế mức tăng của nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp sẽ có thể dẫn đến nhiều "điểm tới hạn" nguy hiểm.
Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh ngay cả mức tăng nhiệt hiện tại cũng đã đặt thế giới trước nguy cơ của 5 điểm tới hạn quan trọng, trong đó bao gồm cả sự biến mất của các tảng băng ở Nam Cực và Greenland. Mặc dù vậy, họ cũng khẳng định rằng vẫn chưa quá muộn để thay đổi các chính sách.
Chuyên gia Tim Lenton thuộc trường Đại học Exeter, một tác giả của nghiên cứu trên, cho biết: "Biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi bộ mặt của thế giới - theo nghĩa đen nếu bạn quan sát từ không gian", do mực nước biển dâng trong thời gian dài, rừng nhiệt đới chết đi và còn nhiều hiện tượng khác nữa.
Ông Lenton đã nghiên cứu về các điểm tới hạn của khí hậu từ năm 2008. Những điểm tới hạn này được định nghĩa là các phản ứng trong hệ thống khí hậu và có thể trở nên tự diễn ra khi tới một ngưỡng nhất định. Khi đó, ngay cả khi Trái Đất không còn tăng nhiệt, các tảng băng vẫn tiếp tục tan ra, đại dương hoặc rừng nhiệt đới sẽ vẫn tiếp tục chuyển sang trạng thái mới.
Tuy các đánh giá ban đầu cho thấy những sự chuyển biến này sẽ diễn ra khi Trái Đất tăng nhiệt độ ở mức 3-5 độ C, nhưng những tiến bộ trong công tác quan sát khí hậu, mô hình hóa và tái tạo khí hậu của các thời kỳ đã qua trong chu trình ấm dần lên của "Hành tinh Xanh" đã chỉ ra ngưỡng tăng nhiệt ở mức thấp hơn nhiều.
Báo cáo tổng hợp dữ liệu từ 200 nghiên cứu, để đưa ra các ước tính mới về thời điểm xảy ra các điểm tới hạn phổ biến nhất. Báo cáo xác định 16 điểm tới hạn, trong đó 9 yếu tố tới hạn "cốt lõi" toàn cầu (ảnh hưởng đáng kể vào sự vận động của hệ thống hành tinh) và 7 điểm tới hạn khu vực (ảnh hưởng đáng kể tới phúc lợi con người).
Có tới 5 trong số 16 điểm tới hạn này có thể được kích hoạt ở mức tăng nhiệt hiện tại, đó là băng tan tại Greenland và Tây Nam Cực; sự tan chảy trên diện rộng của những tảng băng vĩnh cửu; đảo lộn hoàn lưu ở biển Labrador và hiện tượng những rạn san hô nhiệt đới chết hàng loạt. Trong khi 4 điểm tới hạn tiếp theo sẽ xảy ra khi Trái Đất tăng nhiệt ở mức 1,5 độ C và 5 điểm tới hạn nữa có thể xảy ra quanh sức nóng này.
Theo ông Lenton, khi nhiệt độ tăng đến mức tới hạn, băng tan tại Greenland và Tây Nam Cực sẽ khiến mực nước biển tăng thêm 10 mét, tuy nhiên tiến trình này có thể mất hàng trăm năm. Các rạn san hô đã bị chết dần do quá trình tẩy trắng liên quan tình trạng ấm dần lên của Trái Đất. Ở nhiệt độ hiện tại, các rạn san hô này vẫn có thể phục hồi một phần. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ tăng vượt ngưỡng, sự phục hồi này là không thể, dù những rạn san hô đang là kế sinh nhai của 500 triệu người trên toàn thế giới.
Đối lưu ở biển Labrador là nguyên nhân khiến nhiệt độ tại châu Âu tăng cao trong mùa Hè, song lại lạnh giá khắc nhiệt hơn về mùa Đông, có thể so sánh với "Thời kỳ băng hà nhỏ" từ đầu thế kỷ 14 đến giữa thế kỷ 19. Sự tan chảy đột ngột của lớp băng vĩnh cửu - tác động đến Nga, Canada và khu vực Scandinavia - sẽ làm tăng lượng khí thải carbon, đồng thời làm thay đổi cảnh quan một cách đáng kể.
- Các nước 'vật lộn' với đợt nắng nóng kỷ lục do biến đổi khí hậu
- Biến đổi khí hậu gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm 2022
- Những sự thật kinh hoàng về biến đổi khí hậu
Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng 2 độ C, những mùa mưa ở Tây Phi và Sahel có thể bị gián đoạn nghiêm trọng, trong khi rừng Amazon có thể đối mặt tình trạng khô hạn trên diện rộng.
Mặc dù vậy, chuyên gia David Armstrong McKay - một tác giả của báo cáo trên - cho biết ngay cả khi nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 1,5 độ C, các diễn biến xấu đi của thời tiết còn tùy thuộc vào thời gian duy trì của mức nhiệt. Những điểm tới hạn sẽ xảy ra nếu mức tăng này được giữ nguyên trong suốt 50-60 năm. Do đó ông nhấn mạnh rằng nhân loại vẫn có thể kiểm soát quá trình Trái Đất ấm dần lên và một trong số những biện pháp hướng tới mục tiêu này vẫn là "cắt giảm lượng khí thải nhanh nhất có thể".
Đức Anh/TTXVN
Tags