Hôm nay, tại Hà Nội diễn ra toạ đàm “Không gian công cộng: Kết nối truyền thống với tinh thần đương đại” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức.
Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động với chủ đề “Nghệ thuật công cộng - Không gian văn hóa sáng tạo công cộng vì sự phát triển bền vững của Hà Nội”, hướng tới Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2022 vì mục tiêu phát huy các nguồn lực văn hóa, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của cộng đồng sáng tạo.
Tọa đàm nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp trong phát triển các không gian công cộng, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, từng bước hiện thực hóa các sáng kiến Hà Nội cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của tổ chức này.
* Từ không gian công cộng ....
Theo PGS.TS Phạm Quỳnh Phương - Đại học quốc gia Hà Nội: Không gian công cộng (KGCC) đặc biệt quan trọng đối với đời sống văn hóa, nhất là với những đô thị chật chội và ngột ngạt, địa điểm này có vai trò như “châm cứu, chữa lành” cho sức khỏe tinh thần. Chính vì vậy, dù có diện tích nhỏ hẹp hay quy mô rộng lớn, những không gian này cần được kiến tạo để trở thành những không gian văn hóa thực thụ, một môi trường văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn cộng đồng, góp phần tạo nên một thành phố sống tốt và nhân văn; trong đó có vai trò không nhỏ của nghệ thuật công cộng.
Bắt đầu từ năm 2022, Hà Nội có bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển Thành phố Sáng tạo. Trong đó, thiết kế các không gian nghệ thuật công cộng được coi là hướng đi phù hợp, bởi Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế về tổ chức các không gian công cộng mang tính sáng tạo.
Thực tế, Hà Nội vẫn được các du khách nhìn nhận như một thành phố sôi động và náo nhiệt của các sinh hoạt công cộng. Tuy thế, phần lớn các hoạt động này thường bám theo những không gian khó định hình như vỉa hè, góc phố… hơn là tại những không gian cụ thể dành riêng cho công cộng như những quảng trường ở châu Âu.
Tại tọa đàm, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư và giới hoạt động sáng tạo đã chia sẻ nhiều vấn đề kết nối truyền thống và hiện đại tại các không gian công cộng; cơ hội tạo nên đô thị có tính cộng đồng và sáng tạo từ nghệ thuật công cộng và không gian công cộng; các nguyên tắc thiết kế, vận hành và quản lý không gian công cộng hướng đến phát triển bền vững của đô thị; kinh nghiệm xây dựng, quản lý và vận hành nghệ thuật công cộng và không gian văn hóa sáng tạo công cộng trên địa bàn Hà Nội…
- Đánh thức giá trị không gian văn hóa Quốc Tử Giám (Hà Nội)
- Khởi sắc từ mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo
- Hà Nội đục thí điểm 5 vòm cầu đường sắt để mở rộng không gian văn hóa phố cổ
* ... đến không gian nghệ thuật
Gần đây, hoạt động này có sự đầu tư bài bản hơn như: Không gian Phố bích họa Phùng Hưng, Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân, trước đó là Con đường gốm sứ ven sông Hồng. Đó là tín hiệu đáng mừng cho thời kỳ sáng tác nghệ thuật công cộng ở Hà Nội.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý khi thực hiện dự án nghệ thuật trong không gian công cộng phải mang tính bền vững nếu không tính đến ngắn hạn, nhằm hạn chế thấp nhất sự xuống cấp do thời tiết và con người.
Ông Emmanuel Cerise cũng chỉ ra những cơ hội cho việc hình thành các không gian nghệ thuật công cộng trong thời gian tới của Hà Nội khi các ga tàu điện ngầm sẽ được xây dựng và khi cải tạo các vườn hoa, các không gian công cộng khác. Vườn hoa Diên Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng đang được cơ quan này hỗ trợ, tạo ra một không gian sáng tạo, kết nối các yếu tố truyền thống khi cải tạo lại. Ông cũng nhấn mạnh, các không gian công cộng không đơn thuần là nơi phục vụ cộng đồng, tiện nghi đô thị mà mở ra khả năng sáng tạo cho cộng đồng.
Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển hai dự án bích hoạ Phùng Hưng và dự án nghệ thuật Phúc Tân - chia sẻ: Bản thân dự án không đươc gọi là nghệ thuật công cộng mà chỉ là cải tạo cảnh quan. Chính vì vậy, khái niệm về nghệ thuật công cộng hay KGCC chưa chính danh.
Theo đó, các chuyên gia, trách nhiệm của các cấp chính quyền đô thị là việc hết sức quan trọng, có tính quyết định đến sự thành công trong việc quy hoạch và đầu tư xây dựng. Nội dung đó, được cụ thể hóa bằng các định hướng và giải pháp như: Các cấp chính quyền đô thị cần lồng ghép quy hoạch thiết kế nghệ thuật cho các KGCC vào trong các đồ án quy hoạch phân khu và thiết kế đô thị. Cần xây dựng mạng lưới Trung tâm sáng tạo đến các quận, huyện với nhiều mô hình đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành đa dạng, linh hoạt và hiệu quả, kết hợp tăng cường hợp tác công tư.
Thảo Nhi
Tags