Thi công hệ thống thoát nước thuộc dự án Quốc lộ 5 kéo dài, đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh. (Ảnh: Ngô Lịch/TTXVN). |
Tại văn bản trả lời kiến nghị cử tri với kỳ họp 22, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIII về vấn đề trên, Ủy ban Nhân dân thành phố đã giải thích, Dự án đường 5 kéo dài và Khu tái định cư Xuân Canh do Ban Quản lý dự án Hạ tầng Tả ngạn làm chủ đầu tư; đến nay, đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ phần diện tích đất nông nghiệp nằm trong chỉ giới thu hồi đất của 2 dự án và bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn và các đơn vị thi công triển khai xây dựng các hạng mục công trình của dự án.
Công ty xây dựng 319 Bộ Quốc phòng và Công ty xây dựng cầu Thăng Long, Công ty 18, Công ty cổ phần Tranco và Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng đã triển khai hạng mục xây dựng cầu Đông Trù, Đường 5 kéo dài gói thầu số 7,8,9,11,12 và 13 trên địa bàn các xã: Đông Hội, Xuân Canh và Vĩnh Ngọc. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn gần 100 hộ dân thôn Đông Trù, xã Đông Hội thuộc dự án Đường 5 kéo dài và 50 hộ chợ Dâu, xã Xuân Canh thuộc dự án Khu tái định cư Xuân Canh nằm trong chỉ giới thu hồi đất không chịu hợp tác, di chuyển để bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng đến nhiều hạng mục thi công.
Để tháo gỡ vướng mắc trên, đối với dự án Đường 5 kéo dài, Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh đã tăng cường công tác vận động, tuyên truyền được 10 hộ dân thôn Đông Trù nhận tiền đền bù và đất tái định cư tại khu tái định cư Đông Hội.
Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với 9 hộ đợt 2 và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng đối với các hộ còn lại để bàn giao đất thực hiện dự án.
Tại dự án khu tái định cư Xuân Canh, bên cạnh việc các hộ dân không hợp tác thì văn bản của Ủy ban Nhân dân thành phố về việc chính sách về giá làm cơ sở tính bồi thường, hỗ trợ đất ở và giá thu tiền sử dụng đất tại Khu tái định cư Xuân Canh cũng còn một số bất cập chưa rõ ràng.
Liên ngành Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh - Ban Quản lý dự án Hạ tầng Tả ngạn đã có Tờ trình số 01/TTrLN-UBND-BQLDA đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất ở tái định cư tại Khu tái định cư Xuân Canh để bố trí tái định cư cho các hộ gia đình xã Xuân Canh, Tàm Xá bị thu hồi đất ở thực hiện dự án xây dựng đường 5 kéo dài và khu tái định cư Xuân Canh.
Do đặc thù công trình thi công đã kéo theo việc phá vỡ nhiều hệ thống kênh mương tưới tiêu, đường xá, dẫn tới nhiều điểm ngập úng cục bộ, nhiều diện tích đất nông nghiệp không canh tác được phải bỏ hoang.
Chính vì vậy, ngày 19/3/2007, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 1045/QĐ-UBND về việc thu hồi đất để xây dựng đường gom và hoàn trả kênh mương phục vụ dự án đường 5 kéo dài trên địa bàn huyện Đông Anh. Từ đó việc hoàn trả kênh mương phục vụ tưới tiêu cho sản xuất đã được thực hiện đồng bộ với việc thi công Đường 5 kéo dài.
Mặt khác, trong quá trình thi công, để đảm bảo việc sản xuất của nhân dân được thường xuyên, liên tục, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu trong quá trình thi công phải có các biện pháp làm đường tạm, khơi thông dòng chảy, có các biện pháp bảo đảm việc thoát nước, tưới tiêu tạm thời bên cạnh việc hoàn chỉnh hệ thống kênh mương đấu nối hoàn trả đảm bảo đời sống dân sinh và sản xuất của nhân dân về lâu dài.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công không tránh khỏi những điểm ngập úng cục bộ, những vấn đề phát sinh mới như vấn đề tiêu thoát nước sinh hoạt, đường giao thông xuống cấp, bụi bẩn, nắp hố ga chưa kịp hoàn thiện...
Mặc dù, Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh thường xuyên chỉ đạo Ban Quản lý dự án Hạ tầng tả ngạn cùng các nhà thầu phối hợp với Ủy ban Nhân dân các xã kiểm tra hiện trường để kịp thời giải quyết nhưng việc khắc phục các vấn đề phát sinh của các nhà thầu thi công đã không kịp thời, thậm chí một số nội dung cam kết của đơn vị thi công đối với Ủy ban Nhân dân xã, đối với người dân đã không được thực hiện đúng.
Các nội dung này sau đó đã được Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh trực tiếp chỉ đạo và các vấn đề bất cập đã được các nhà thầu khắc phục tuy nhiên việc thiếu chủ động, thiếu hợp tác của một số nhà thầu thi công đã gây bất bình và bức xúc trong nhân dân. Trách nhiệm này hoàn toàn thuộc về Chủ đầu tư giải phóng mặt bằng và đơn vị thi công thực hiện dự án.
Đối với Dự án cầu Nhật Tân và đường nối hai bên đầu cầu (phía bờ Bắc hiện nay một số khu vực trên địa bàn các xã Tiên Dương, Vân Nội hiện nay cũng vẫn còn một số hộ dân chưa nhận tiền, bàn giao mặt bằng (các hộ này lại nằm rải rác, xen kẽ trong khu vực thi công) nên các nhà thầu chưa tiến hành thi công được.
Ủy ban Nhân dân huyện đang đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng đối với các hộ còn lại để bàn giao đất thực hiện dự án. Trong quá trình thi công theo thiết kế dự án, các hạng mục công trình đều phải hoàn trả đồng bộ nhưng do quá trình thi công các hạng mục chính chưa xong nên chưa thể hoàn trả mặt bằng; các nhà thầu đã làm tạm rãnh đất, đường tạm để đảm bảo giao thông cũng như tưới tiêu phục vụ nhân dân ổn định sinh hoạt và sản xuất.
Đối với dự án xây dựng đường Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội-Thái nguyên còn 2 đoạn chậm tiến độ thi công do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (một số dân chậm bàn giao, cản trở thi công tại Khu 5 xã Thụy Lâm và thôn Thạc Quả xã Dục Tú), nhưng đến nay Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh đã hoàn thành việc cưỡng chế để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các đơn vị thi công.