(Thethaovanhoa.vn) - Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 9/1 đến 18 giờ ngày 10/1/2022, thành phố ghi nhận thêm 2.832 ca mắc COVID-19. Bệnh nhân phân bố tại 393 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông có 1168 ca, Hoàng Mai 165 ca, Thanh Trì 134 ca, Đống Đa 124 ca, Thanh Xuân 115 ca, Nam Từ Liêm 109 ca, Hai Bà Trưng 100 ca… Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch lần thứ 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 73.790 ca.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND về phòng, chống dịch thành phố năm 2022 nhằm thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19, hạn chế thấp nhất số ca tử vong, khống chế không để dịch bùng phát lan rộng trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, 100% UBND các cấp từ thành phố đến xã, phường, thị trấn xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh sát với tình hình thực tế của địa phương; xây dựng lực lượng cộng tác viên y tế-dân số... nhằm hỗ trợ cơ quan y tế địa phương thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
100% UBND xã, phường, thị trấn triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động theo tình hình dịch trên địa bàn; xây dựng lực lượng Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, tổ hỗ trợ theo dõi chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà để hỗ trợ ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch. Các cơ sở khám, chữa bệnh và cơ sở y tế dự phòng đóng trên địa bàn Hà Nội thực hiện khai báo, báo cáo bệnh truyền nhiễm bằng phần mềm trực tuyến theo quy định của Bộ Y tế.
100% các cơ sở tiêm chủng đóng trên địa bàn Hà Nội triển khai hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. 100% cán bộ y tế trong hệ thống giám sát xử lý, cấp cứu điều trị các loại dịch bệnh từ thành phố đến cơ sở được tập huấn để nắm vững kiến thức, kỹ năng về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn, trường học, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công trường xây dựng đóng trên địa bàn Hà Nội duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường chủ động phòng, chống dịch bệnh vào chiều thứ Sáu hằng tuần; tổ chức giám sát phát hiện sớm, điều tra, khoanh vùng đúng, xử lý kịp thời, triệt để 100% ổ dịch, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với dịch bệnh mới nổi, tái nổi, dịch bệnh xâm nhập nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong, giảm thiểu tối đa những thiệt hại về kinh tế, văn hóa xã hội; tổ chức khoanh vùng, điều tra xử lý khống chế nhanh chóng các ổ dịch nhằm giảm số mắc và tử vong do các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành tại địa phương.
Bên cạnh đó, các địa phương bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tiêm chủng các loại vaccine khác trong tiêm chủng mở rộng đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch của chương trình tiêm chủng mở rộng; duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh sởi.
100% trường hợp người nhập cảnh, người về từ vùng dịch COVID-19; người tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính SARS-CoV-2 được cách ly, theo dõi giám sát sức khỏe chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm theo đúng quy định.
Ngoài ra, ngành chức năng nâng cao năng lực phòng xét nghiệm các tuyến, tăng cường công tác xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh; tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
UBND thành phố cũng xây dựng, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, hình thành thói quen cho cộng đồng để nâng cao tinh thần chủ động của người dân về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch và khai báo cho cơ quan y tế địa phương khi mắc bệnh; tăng cường công tác cách ly, giám sát, xử lý dịch; tăng cường thu dung, điều trị bệnh nhân...
- Hà Nội lại vượt kỷ lục với 2.832 ca mắc Covid-19, 73% bệnh nhân điều trị tại nhà
- 24h qua Hà Nội thêm 2.725 ca mắc Covid-19, có 655 ca cộng đồng
- Hà Nội: Tiêm vaccine tại nhà cho những người bại liệt, già yếu
UBND thành phố giao Sở Y tế (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố) tham mưu UBND thành phố chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch năm 2022.
Sở chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch; giám sát chặt chẽ dịch tại cộng đồng, cơ sở y tế để kịp thời phát hiện sớm, xử lý triệt để, không để dịch bùng phát; giám sát hành khách nhập cảnh từ các vùng có dịch, vùng có ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm ca bệnh để cách ly không để dịch xâm nhập.
Các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện nghiêm việc phân luồng, kiểm soát người ra, vào, đảm bảo công tác phòng hộ cho đội ngũ y, bác sĩ nhằm không để lây nhiễm chéo dịch bệnh; chuẩn bị khu cách ly đủ giường bệnh, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị cũng như nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân...
Tuyết Mai/TTXVN
Tags