(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội là địa phương sở hữu mạng lưới xe buýt lớn nhất cả nước với 122 tuyến xe buýt đảm bảo bao phủ toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn toàn thành phố.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 201/KH-UBND về phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố, giai đoạn từ năm 2021 đến 2030.
Theo đó, Hà Nội đặt tiêu chí đến năm 2030, khoảng 80-90% người dân tại khu vực trung tâm thành phố có thể tiếp cận sử dụng xe buýt trong phạm vi 500m.
- Đưa sản vật, văn hóa miền Trung và Tây Nguyên vào lòng Hà Nội
- Link xem trực tiếp bóng đá Hà Nội vs Hà Tĩnh. Xem trực tiếp bóng đá Việt Nam
- Soi kèo nhà cái. Hà Nội vs Hà Tĩnh. Trực tiếp bóng đá Việt Nam 2020
Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu xác định rõ loại hình, số lượng phương tiện và mạng lưới vận tải hành khách công cộng theo từng giai đoạn, bảo đảm đáp ứng chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận theo các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ và thành phố; bảo đảm kết nối đến các khu vực tập trung dân cư (khu đô thị, khu công nghiệp ...), các khu vực có nhu cầu đi lại và tăng mật độ bao phủ đến các huyện ngoại thành, các trung tâm phát triển kinh tế-xã hội; kết nối thuận tiện với các đầu mối giao thông và giữa các loại hình, phương thức vận tải.
Kế hoạch cũng nêu rõ các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút các thành phần tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mức hỗ trợ lãi suất cho các đơn vị đầu tư phương tiện tham gia cung ứng dịch vụ vận tải bằng xe buýt trên địa bàn thành phố theo quy định.
Thành phố cũng sẽ báo cáo, đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách “Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA hoặc vay lại vốn ODA cho các dự án đầu tư mua sắm phương tiện công cộng hiện đại, có mức phát thải đạt tiêu chuẩn EURO 5, sử dụng năng lượng sạch, động cơ thân thiện môi trường."
Thành phố sẽ đầu tư, khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng kết nối, trung chuyển; tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho vận tải hành khách công cộng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác hoạt động vận tải.
Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; sắp xếp lại bộ máy quản lý, tăng cường hiệu quả công tác quản lý để giảm chi phí…
Hà Nội là địa phương sở hữu mạng lưới xe buýt lớn nhất cả nước với 122 tuyến xe buýt đảm bảo bao phủ toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn toàn thành phố. Hiện nay, vận tải hành khách công cộng, tuy chưa đạt như kỳ vọng, nhưng mạng lưới xe buýt đã đáp ứng được khoảng 16,08% nhu cầu đi lại của nhân dân.
Thảo Nhi
Tags