Hàn Quốc rộ trào lưu 'Không con cái, nuôi chó'

Thứ Ba, 28/03/2017 14:05 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ở Hàn Quốc hiện nay sở thích nuôi thú cưng trong các gia đình đang phát triển mạnh và theo thống kê, cứ 5 người thì có một người sống với thú cưng, chó hoặc mèo. Người Hàn yêu những con vật nuôi của mình và chăm sóc chúng như một thành viên trong gia đình.

Kim Myeong Seon, một nội trợ 52 tuổi chẳng hề do dự khi đi “quẹt thẻ” tín dụng để thanh toán cho một cuộc phẫu thuật thoát vị cho “thành viên yêu quý trong gia đình”. Nhưng đó không phải là con hay chồng bà, mà là chú chó 7 tuổi tên là Mong.

Thú cưng đã trở thành “con cưng”

Kim Myeong Seon không có con và bà bắt đầu nuôi Mong từ năm 2010. Chú chó này giờ không chỉ là một thú cưng trong nhà mà còn là một thành viên của gia đình bà.

“Cuộc phẫu thuật thoát vị cho Mong tốn gần 700.000 won (khoảng 1,5 triệu đồng). Một số bạn bè tôi nói quá lãng phí tiền nhưng đối với chúng tôi giá đó hợp lý vì cuộc phẫu thuật mang lại sức khỏe cho Mong” – Kim Myeong Seon chia sẻ với hãng tin Yonhap trong một cuộc phỏng vấn.


Kim Myeong Seon và chú cún 7 tuổi tên Mong

Hiện mỗi tháng Kim Myeong Seon chi khoảng 500.000 won để chăm sóc Mong. Khoản tiền này chiếm khoảng 15% các khoản chi tiêu trong gia đình bà. “Về cơ bản, Mong giống con cái trong nhà ngoại trừ nó không biết nói. Chúng tôi cũng nhận được tình yêu và sự phản ứng từ Mong. Hiện vợ chồng tôi có thể giao tiếp với nhau tốt hơn nhờ chú chó này”.

Được biết, Kim hào phóng chi cho thú cưng của mình hơn nhiều người khác ở Hàn Quốc khi trung bình các gia đình khác ở xứ kim chi sẽ chi khoảng 150.000 won cho các vật nuôi trong nhà.

Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tăng mạnh khi thu nhập của người Hàn cao hơn, người sống độc thân đang gia tăng và ngày xuất hiện mô hình gia đình  “No Kids with a Dog” (Không con cái, nuôi chó; DINKWAD).

“Nhiều cặp vợ chồng trẻ nghĩ đến chuyện nuôi chó chứ không sinh con khi họ nghĩ nuôi con cái quá tốn kém. Xu thế này dường như không thay đổi và kết quả là ngày càng nhiều gia đình nuôi thú cưng thay vì sinh con” – một đại diện của tổ chức phi lợi nhuận DINKWAD nói.

Thu lợi lớn từ các dịch vụ “ăn theo” thú cưng

Do nhu cầu nuôi thú cưng làm bầu bạn ngày càng phát triển nên những ngành kinh doanh liên quan đến thú cưng cũng kiếm được lợi lớn từ xu thế này. Tuy nhiên, thực tế đó đã đẩy tỷ lệ sinh con ở Hàn Quốc thập xuống đến mức kỷ lục. Cụ thể, hồi năm ngoái tổng tỷ lệ sinh con ở xứ kim chi giảm xuống còn 1,17 trong khi năm trước đó là 1,24.

Thêm nữa, các dịch vụ kinh doanh như quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, bệnh viện và cửa hàng chăm sóc sắc đẹp cũng tăng đáng kể khi ngày càng có nhiều người muốn ăn chơi và chu du cùng các thú cưng.

Hồi năm ngoái, thành phố Busan ở miền Nam Hàn Quốc đã khai trương PETEL Premium Suite, khách sạn 10 tầng cho phép du khách và các thú cưng của họ có thể “ăn chơi” cùng nhau kèm theo một loạt dịch vụ dành cho thú cưng.


Các ngành dịch vụ cũng nở rộ nhờ xu hướng phát triển nuôi thú cưng trong các gia đình ở Hàn Quốc

Phòng trong khách sạn này có giá từ 77.000 won đến 300.000 won/đêm, dựa vào các dịch vụ dành cho thú cưng.

“Chúng tôi đã nhận được sự phản ứng tích cực từ những gia đình có bạn đồng hành là thú cưng khi tới Busan. Họ rất thích các dịch vụ trong khách sạn của chúng tôi” – một nhân viên làm việc trong khách sạn PETEL Premium Suite cho biết.

Chưa kể, các chuỗi cửa hàng lớn như Emart và Lotte Mart cũng đã tận dụng xu thế này và đang từng bước thu hút người tiêu dùng muốn đưa thú cưng đi mua sắm cùng.

Hiện các chuỗi cửa hàng này đã mở các khách sạn và sân chơi bên trong các cửa hàng để qua đó khách hàng có thể để thú cưng ở đó với mức phí “hợp lý” trong họ khi đi mua sắm.

“Người tiêu dùng có thể gửi thú cưng của mình tại khách sạn hoặc sân chơi với giá 10.000 won/giờ cho đến khi họ quay trở lại” – người phát ngôn của Emart cho biết.

Thị trường chăm sóc thú cưng ở Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ được mở rộng đáng kể trong vài năm tới. Theo thống kê của Liên đoàn Hợp tác Nông nghiệp Quốc gia, năm nay thị trường này sẽ thu về được 2,9 nghìn tỷ won và đến năm 2020 là 5,8 nghìn tỷ won do nhu cầu thực phẩm, y tế và dịch vụ tăng mạnh.

Tuấn Vĩ
Theo Yonhap

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›