Ngày Môi trường thế giới năm 2018 với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm con người thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất 4 lần, có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới song phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp.
Với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ.
Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi ni lông, hộp đựng đồ ăn, cốc,…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người.
Bắt đầu từ năm 1972, ngày 5 tháng 6 hàng năm được Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn là Ngày Môi trường thế giới, với mục đích là tập trung sự chú ý của toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường, khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường.