(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Trần Đăng, tác giả của những thiên phóng sự và bút ký chiến tranh nổi tiếng như: Trận phố Ràng, Một lần tới Thủ đô, Một cuộc chuẩn bị... đã trở thành “người văn nghệ binh thứ nhất hy sinh nơi chiến trường”, khi mới 28 tuổi xuân.
Với “ngòi bút vừa lạnh vừa nồng nàn vừa âm vang tiếng sắt thép mà còn đầm ấm tinh thần người Vệ Quốc quân hiên ngang”, những tác phẩm của ông đã toát lên một nhân cách, một tấm lòng với kháng chiến, với dân tộc đúng như nhà văn Nguyễn Đình Thi đã viết: “đời Trần Đăng đã là một tác phẩm và bài học đẹp nhất”.
Khát vọng được làm báo, được đi và viết
Nhà văn Trần Đăng tên thật là Đặng Trần Thi, sinh ngày 11/11/1921 tại xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống văn học. Không chỉ nổi tiếng là người thông minh học giỏi, ông còn say mê văn học và thơ ca. Từ học sinh trường tư thục Văn Lang rồi Trung học Thăng Long, ông trở thành sinh viên trường Đại học Luật khoa Hà Nội
Với lòng yêu nước nồng nàn, chàng thanh niên trẻ Trần Đăng thuộc lớp sinh viên nhiệt tình, hăng hái đến với cách mạng và văn học cách mạng ngay từ thời kỳ đầu. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông tham gia công tác văn phòng ở Ban Liêm-Kiểm quân sự Việt-Pháp thuộc Bộ Nội vụ. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông tham gia quân đội (Vệ quốc đoàn) và được kết nạp Đảng năm 1948.
Đam mê nghề viết, Trần Đăng xin đi theo các đơn vị chiến đấu và trở thành phóng viên mặt trận của Báo Vệ quốc quân (tiền thân của Báo Quân đội nhân dân ngày nay). Là phóng viên mặt trận, ông luôn đi cùng với đơn vị chiến đấu bám sát các chiến sĩ. Ông có mặt ở nhiều chiến dịch, nhiều trận chiến đấu ác liệt. Tháng 8 ở Bắc Kạn, tháng 10 đã thấy ông ở vùng địch hậu Sơn Tây, Ninh Bình. Ông đi liên tục, viết kịp thời, trở thành một nhà văn chiến sĩ, được bộ đội yêu mến.
Nhà văn Trần Đăng có thói quen vừa đi, vừa đọc, vừa viết. Trong một cuốn sổ tay để lại, người ta thấy ông ghi chép rất nhiều thứ, từ cuộc sống thường nhật của nhân dân, bộ đội, đến sách báo nước ngoài, cả trang báo tường, báo liếp ở các đơn vị...
“Bám sát lấy thực tại khách quan, Trần Đăng đã chuyển từ những bài tùy bút phô bày ý nghĩ, cảm xúc của anh sang loại văn ký sự lạnh lùng và tả lại những cảnh sống và chiến đấu của bộ đội”. Đánh giá trên của nhà văn Nguyễn Đình Thi về những trang viết và hành trình sáng tạo của Trần Đăng được minh chứng rõ nét hơn qua những tác phẩm như: Một lần tới Thủ đô (tháng 1/1946), Một cuộc chuẩn bị, Lúa mới, Trận phố Ràng, Những ngày cuối năm... và cuối cùng là phóng sự Trên đường số 4, 15 cây số Thất Khê-Lũng Phầy (tháng 4/1949).
Trần Đăng đi nhiều và viết khỏe. Bên cạnh mảng văn xuôi, ông còn viết nhiều tiểu luận về văn nghệ kháng chiến, văn nghệ quân đội. Trong thư ông để lại, có đoạn viết: “Không kéo được quần chúng tham gia văn nghệ, khó lòng chúng ta tạo nên những tác phẩm lớn. Sáng tác không phải là công việc của một số người chuyên nghiệp và phê bình, không phải độc quyền của một cá nhân. Tôi ghét những lời phê bình vô trách nhiệm, đặc biệt của một vài nhân vật vỗ ngực trí thức. Tshekhov gọi đây là con bọ làm khổ con bò đang nai sức làm việc. Tốt hơn hết là nghe lời phê bình của quần chúng, nó lành mạnh và chỉ có nó là sáng suốt, ngoài ra là láo toét hết”…
Quan điểm đó đã giúp ông vững bước trên con đường văn học. Nhà văn Trần Đăng đi vào quần chúng, lắng nghe tiếng nói của quần chúng, dựa vào quần chúng để tu dưỡng mình và tu dưỡng nghệ thuật. Ông không nề hà bất cứ việc gì của đơn vị, từ đào công sự, vác gạo, kiếm củi cho anh nuôi, đến viết bích báo, làm binh vận, phiên dịch và nếu cần thì ôm súng chiến đấu như một chiến sĩ.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trên Báo Vệ quốc quân số Xuân 1950 trong bài Những bạn văn trẻ, đã viết: “Cái ngòi bút vừa lạnh vừa nồng nàn vừa âm vang tiếng sắt thép mà còn đầm ấm tinh thần người Vệ Quốc quân hiên ngang, chăm chỉ, thật bộ đội, rất chính quy, tôi chưa được đọc ai như thế. Đăng tài nhận người, xét đoán việc với cách nhìn thoáng đã chụp thành kiểu, gọn sắc. Đăng làm việc nhiều, sống mãnh liệt. Đăng là một thanh niên cộng sản. Các bút ký của Đăng cũng khỏe như cái chân đi của Đăng”...
“Đời Trần Đăng đã là một tác phẩm và bài học đẹp nhất”
Nhà văn Trần Đăng viết mọi lúc, mọi nơi, từ mặt trận, cơ quan, đến trên đường hành quân, giữa hai chiến dịch… Ông đi mải miết không nghỉ, không biết mệt, lặng lẽ, kiên nhẫn, đi hết chiến dịch này đến chiến dịch khác. Ông từng ghi trong sổ tay rằng “chỉ có cái khách quan và kể lại, hãy khoan làm một tấm sơn mài mà làm bức vẽ nhanh cho thật đúng, giản dị, thành thực và thật”…
Là một người cầm bút đến với bộ đội sớm nhất, Trần Đăng đã đưa vào văn học những hình ảnh giản dị mà chân thực, tươi khỏe của người chiến sĩ và cuộc sống bộ đội từ những ngày đầu gian khổ, bằng sự quan sát tinh nhạy và ngòi bút tả người, tả cảnh sắc sảo, giàu chất tạo hình. Sáng tác của ông tuy ít, nhưng đã đóng góp không nhỏ vào dòng văn học cách mạng, khẳng định con đường đi đúng đắn của văn học những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau hai năm cầm bút, ông đã để lại cho thế hệ sau nhiều tác phẩm báo chí, văn học nóng bỏng hơi thở chiến trường và cuộc sống của người chiến sĩ nơi trận mạc. Nhiều tác phẩm của ông, như: Một lần tới Thủ đô, Trận phố Ràng, Những ngày cuối năm, Một cuộc chuẩn bị… đã được đưa vào trong sách giáo khoa Trung học phổ thông. in dấu ấn đậm nét trong tâm hồn nhiều thế hệ học sinh. Một số tác phẩm của Trần Đăng đã được Nhà xuất bản Văn học và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in thành sách, như: Truyện và Ký Trần Đăng (tái bản năm 1969), Trần Đăng - Con người và tác phẩm…
- Tìm kiếm con đường mới cho sự phát triển của văn học Việt Nam
- Văn học Việt Nam: Làm gì để… bước ra thế giới?
- Bế mạc Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam
Ngày 26/12/1949, nhà văn Trần Đăng hy sinh trên mặt trận biên giới phía Bắc, khi mới 28 tuổi, lúc ngòi bút “đương đà sắc mạnh, đương hứa hẹn nhiều triển vọng”, để lại cho báo giới, người thân, đồng đội nhiều tiếc nhớ. Năm 2007, ông được truy tặng Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Đánh giá về cuộc đời chiến đấu, cuộc đời phóng viên của Trần Đăng, Báo Vệ quốc quân số Xuân 1950 viết: “Về nhiệm vụ một phóng viên mặt trận, anh rất tận tụy và say mê với tinh thần thanh niên cách mạng. Anh đã dự các chiến dịch: Đường số 4, Sông Thao, có mặt trong những trận đánh ác liệt và không hề quản ngại gian khổ, nguy hiểm. Thu-đông vừa qua, anh công tác trên mặt trận biên giới, ở hàng tháng trong địch hậu, đã một lần bị giặc phục kích bắn bị thương, song vết thương không nặng. Khi vừa khỏi, anh lại hăm hở lên đường và lần này thì anh nhận lấy cái chết đầy vinh dự. Anh Trần Đăng là người văn nghệ binh thứ nhất hy sinh nơi chiến trường”.
Có thế nói, đời chiến đấu, đời làm báo của Trần Đăng là “tác phẩm”, là “bài học” đẹp đẽ. Bài học ấy trước hết là lòng say mê, bất chấp gian khổ, bất chấp hy sinh, luôn luôn tự trau dồi, tự đổi mới cách viết, cách nghĩ nhằm mục tiêu cao cả là phụng sự bạn đọc, phụng sự nhân dân và phụng sự Tổ quốc. Bài học mà Trần Đăng để lại cho những người cầm bút đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Hoàng Yến/TTXVN (tổng hợp)
Tags