(Thethaovanhoa.vn) – “Hỗ trợ người dân tộc thiểu số ở Việt Nam không chỉ đơn giản là bài toán “con cá- cần câu”. Bởi, ngoài hỗ trợ sinh kế, việc nâng cao ý thức về bản sắc của các nhóm dân tộc là tối quan trọng.”
Đó là một trong những phát biểu tại tọa đàm trưng bày với chủ đề “Tôi là người Việt Nam” nhân Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam diễn ra chiều qua (16/4) tại Hà Nội.
Sự kiện được hỗ trợ bởi Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và Nhóm làm việc về Dân tộc thiểu số (EMWG).
Việc hỗ trợ, thúc đẩy ý thức bản sắc văn hóa tộc người được minh chứng bằng hàng loạt các câu chuyện diễn ra tại buổi tọa đàm. Đó là chuyện chị Nguyễn Thị Lâu, dân tộc Tày, tại thôn Thâm Trung (Phú Lương, Thái Nguyên) qua 10 năm lập tổ bảo vệ rừng. Từ cảm giác thiếu tự ti, yếu thế, chị nay rất tự tin vào mình, vào nhóm người mình. Đó còn là chuyện anh Lang Mạnh Hùng, dân tộc Thái, tỉnh Đắk Nông đã tạo ra một bước đột phá ở thôn ấp. Cụ thể, anh đã tự xây dựng mô hình biogas phù hợp với đặc thù địa phương và nhân rộng khắp trong vùng. Từ một người mặc cảm mình ở nhóm yếu, nay anh Hùng mạnh dạn lên thuyết trình trong tọa đàm ở Hà Nội về bản sắc dân tộc mình.
Lang Mạnh Hùng, dân tộc Thái, tỉnh Đắk Nông, người xây dựng dự án biogas cho đồng bào địa phương ông. Ảnh trong buổi trưng bày "Tôi là người Việt Nam".Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho biết: “Cuộc thảo luận dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu, phát triển và quản lý đã chỉ ra rằng khi người dân tộc thiểu số tự tin vào năng lực của mình, tự hào về văn hóa của mình thì họ sẽ tự chủ về cuộc sống của chính mình. Đây chính là triết lý mà các chính sách và dự án phát triển nên có khi hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”.
Bên cạnh tọa đàm, sự kiện còn trưng bày những hình ảnh chân dung đại diện cho những gương mặt đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu từ mọi miền Tổ quốc với những câu chuyện riêng. Một số hình ảnh tại buổi trưng bày:
Mỹ Mỹ
Tags