Một trong những biện pháp mà Bộ GTVT kỳ vọng sẽ giảm bớt được TNGT liên quan đến xe khách là bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS - hộp đen). Tuy nhiên, từ đơn vị cung ứng thiết bị đến doanh nghiệp lắp đặt đều phát hiện hàng loạt sai phạm. Liệu giải pháp này có mang lại kết quả như kỳ vọng?
Sau nhiều sai phạm tại các đơn vị cung cấp thiết bị GPS đến doanh nghiệp vận tải phải lắp đặt thiết bị này ở khắp các tỉnh miền Bắc, Thanh tra Bộ GTVT tiến hành kiểm tra khu vực phía Nam và phát hiện hàng loạt vi phạm.
Theo kết quả thanh tra sơ bộ mới nhất tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai (bắt đầu từ 5/6), kiểm tra 7/19 doanh nghiệp cung cấp thiết bị GPS, lực lượng Thanh tra Bộ GTVT đã phát hiện nhiều hộp đen không có dấu hợp quy, không đạt chuẩn.
Tại bến xe Miền Đông vào chiều 13/6, cách thời gian đoàn bắt đầu kiểm tra khoảng 1 tiếng đồng hồ, những đơn vị cung cấp thiết bị GPS nằm trong diện bị “sờ gáy” đã nhanh chóng điều động nhân viên của hãng đến từng xe khắc phục, sửa chữa sai sót của thiết bị.
Tuy nhiên, ngay sau đó, đoàn kiểm tra phát hiện hộp đen của công ty Vecom (Vinh Hiển) lắp đặt trên một số xe khách không đạt chuẩn, không chiết xuất được thông tin, dữ liệu… Trước đó, ngày 12/6, tại bến xe miền Tây, thanh tra Bộ GTVT kiểm tra các thiết bị của công ty Vinh Hiển cũng phát hiện có sai phạm.
Tính đến ngày 14/6, Bộ GTVT đã thu hồi giấy phép chứng nhận của 5 đơn vị sản xuất hộp đen và đang chờ 1 đơn vị giải trình xem xét để đưa ra quyết định |
“Mới qua mấy ngày thực hiện kiểm tra đơn vị lắp đặt và sử dụng thiết bị GPS tại khu vực phía Nam, lực lượng Thanh tra đã lật tẩy hàng loạt “mánh” của các nhà sản xuất như “phù phép” giấy chứng nhận hợp quy, có dấu hiệu lừa đảo và không trung thực với khách hàng”, ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT nhận định.
Dẫn chứng, đoàn thanh tra đã phát hiện thiết bị của Công ty CP công nghệ thông tin C.S.S.E (Đà Nẵng) và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuân Phi (TP HCM), các sản phẩm hộp đen thiếu chứng nhận hợp quy, không đáp ứng được các tiêu chí theo quy định của Bộ GTVT.
Thậm chí, thiết bị của C.S.S.E và Xuân Phi không sản xuất theo mẫu đăng ký với Bộ GTVT nhưng nhà sản xuất lại tự cấp cho khách hàng giấy chứng nhận hợp quy để hợp thức hóa các thiết bị. Khách hàng lại sử dụng giấy chứng nhận hợp quy giả này để xin cấp giấy phép vận tải.
Hay có nhà sản xuất nhập khẩu thiết bị sau đó chỉnh sửa thành sản phẩm được lắp ráp trong nước. Đặc biệt, Công ty TNHH Viễn thông TÍT sau khi nhập thiết bị GPS về, đã cắt xén một số bộ phận rồi mới lắp đặt cho doanh nghiệp.
Chưa phải chiếc “đũa thần”Ông Thạch Như Sỹ cho biết, với các lỗi vi phạm trên, Thanh tra Bộ đã quyết định thu hồi giấy chứng nhận của 2 đơn vị cung ứng thiết bị GPS là C.S.S.E và Xuân Phi. Với đơn vị TÍT, đoàn kiểm tra cho doanh nghiệp thời gian một tuần để giải trình về hành vi gian dối, “ăn bớt” thiết bị nói trên, sau đó sẽ có hình thức xử lý phù hợp. Còn, với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hộp đen còn vướng các lỗi, Bộ GTVT cho thời hạn 3 tháng để khắc phục, nếu không hoàn thành sẽ thu hồi giấy phép. Sẽ kiên quyết chỉ đạo xử lý vi phạm về hành vi này theo đúng quy định của Nghị định 71 và sẽ xử phạt từ ngày 1/7 tới.
Còn, theo quan kiểm của một số nhà cung cấp thiết bị GPS, hiện trên thị trường đang có quá nhiều đơn vị sản xuất thiết bị này, trong số đó không ít doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua chất lượng. Bởi vậy, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, cần thanh lọc, loại bỏ bớt những nhà cung cấp hộp đen không đảm bảo, đồng thời hạn chế các khâu trung gian để nâng cao chất lượng lắp đặt.
Dư luận không khỏi băn khoăn, với những sai phạm được phát hiện ngay từ các đơn vị cung cấp thiết bị, chưa kể, doanh nghiệp vận tải, lái xe cũng không mặn mà với hộp đen, liệu việc lắp đặt này có mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Theo Ngân Tuyền
An ninh Thủ đô