(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 18/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo nợ tích lũy của các doanh nghiệp và cá nhân trên toàn thế giới có thể kìm hãm quá trình phục hồi kinh tế của các nước từ cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, IMF nhấn mạnh gánh nặng nợ có thể khiến tăng trưởng ở các nước phát triển giảm 0,9% và ở các thị trường mới nổi giảm 1,3% trong 3 năm tới. Các hộ gia đình bị hạn chế về tài chính và các doanh nghiệp dễ bị tổn thương, vốn đã tăng lên về số lượng trong đại dịch COVID-19, dự kiến sẽ cắt giảm chi tiêu nhiều hơn.
Để tránh làm trầm trọng thêm các vấn đề này, IMF khuyến cáo các chính phủ nên "điều chỉnh tốc độ" chấm dứt các chương trình viện trợ và chi tiêu. Khi sự phục hồi đang diễn ra thuận lợi và bảng cân đối kế toán đang ở trạng thái tốt, các chương trình hỗ trợ tài khóa có thể cắt giảm nhanh hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của các ngân hàng trung ương.
Đối với các lĩnh vực đang gặp khó khăn, chính phủ các nước có thể viện trợ để ngăn nguy cơ phá sản, hoặc cung cấp các động lực để tái cấu trúc, thay vì giải thể doanh nghiệp.
- IMF loại trừ nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu
- IMF cảnh báo căng thẳng Nga-Ukraine tác động nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu
- IMF nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây 2 năm, chính phủ nhiều nước đã triển khai các biện pháp đặc biệt để hỗ trợ nền kinh tế bao gồm việc áp dụng các biện pháp cho phép hoãn trả nợ hoặc cung cấp các khoản vay quy mô lớn.
Tuy nhiên, các chương trình này đã dẫn đến mức nợ cao hơn ở một số lĩnh vực, bao gồm cả những lĩnh vực bị đại dịch tàn phá nhiều nhất, như du lịch và nhà hàng, cũng như các hộ gia đình thu nhập thấp.
Phương Oanh/TTXVN
Tags