Ở các địa phương trên cả nước, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng bán hàng với nhiều lý do. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quyền lợi của người tiêu dùng. Điều đáng nói là về cơ bản, tình trạng hết hàng, bán hàng theo hạn mức diễn ra trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu trong nước đã giúp Việt Nam tự chủ 2/3 nhu cầu. Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, giúp cho giá xăng dầu trong nước cũng quay về mức thấp so với đầu năm nay.
Để xử lý vấn đề này, mới đây nhất Liên bộ Công Thương – Tài chính đã phối hợp rà soát và thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước (các chi phí trong kinh doanh xăng dầu) trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày mai 11/10.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu và thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn, hạn mức nhập khẩu tối thiểu (đối với các thương nhân đầu mối) đã được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2022 để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước. Thời gian qua đã cùng Bộ Tài chính họp và có những chính sách điều hành giá nhằm gỡ khó cho quá trình nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đối với các loại hình thương nhân.
Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa xăng dầu, tránh gián đoạn cung ứng, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu Cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình.
Đơn vị quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình (bao gồm thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ, đại lý bán lẻ xăng dầu); yêu cầu các đơn vị hoạt động đúng với nội dung ghi trên Giấy xác nhận đủ điều kiện, thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn.
Đồng thời, các đơn vị tập trung việc giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn. Đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, tiến hành chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào; thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Thủ trưởng cơ quan quản lý thị trường chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; thực hiện xử lý nghiêm các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.
Trước đó, thị trường xăng dầu tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngừng bán hàng, nhiều doanh nghiệp đề xuất với Sở Công Thương về việc tạm dừng kinh doanh do khó khăn về nguồn hàng và không bảo đảm lợi nhuận kinh doanh, cùng đó là những bất cập trong cách tính chiết khấu...
Theo chia sẻ của nhóm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, việc điều hành của Liên bộ Công Thương-Tài chính thời gian qua có vấn đề gây ra bất ổn thị trường kinh doanh xăng dầu.
Theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu: "Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố". Nhưng Liên bộ quản lý đã để xảy ra tình trạng chiết khấu âm. Tức là các doanh nghiệp phân phối đã tìm cách "lách"quy định để bán ra cho doanh nghiệp bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hoá đơn khác theo bảng kê của các hoá đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng không (0 đồng). Nghĩa là khi cộng phí vận chuyển thì doanh nghiệp bán lẻ mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định
Điều đáng nói là Liên bộ vẫn đang để tình trạng nghịch lý này tồn tại trong thời gian dài mà chưa có động thái nào khắc phục. Có rất nhiều giai đoạn doanh nghiệp bán lẻ càng bán ra càng lỗ mà vẫn phải "chịu" bán nhưng không ai bù lỗ. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp bị âm vốn, khó có thể trụ nổi nếu tiếp tục với việc giá mua vào bằng hoặc cao hơn giá bán ra mà doanh nghiệp không được ngưng bán do Bộ Công Thương dùng mệnh lệnh hành chính để bắt buộc doanh nghiệp bán lẻ duy trì hoạt động và bán lỗ để ổn định thị trường.
Nhóm các doanh nghiệp này cho hay, cơ quan quản lý cần đưa ra các giải pháp khắc phục hoàn toàn tình hình thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu; không để doanh nghiệp bán lẻ bị bắt buộc bán ra với giá bán thấp hơn giá mua vào. Đồng thời, thay đổi công thức tính giá cơ sở hiện nay do chưa phù hợp, chưa tính đủ chi phí và xa rời thực tế dẫn đến doanh nghiệp càng bán ra càng thua lỗ.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh ở nhiều địa phương. Nguyên nhân chính của hiện tượng trên xuất phát từ việc các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Vụ Thị trường trong nước cho biết đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi nhằm giúp tăng nguồn lực để nhập khẩu từ nước ngoài và mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, sản lượng nhập khẩu xăng dầu quý III/2022 của các doanh nghiệp đầu mối đã giảm khoảng 40% với xăng, giảm 35% với dầu diesel so với quý II/2022. Đây là nguyên nhân thiếu hàng tại một số đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kéo theo giảm nguồn cung trên thị trường trong nhiều tháng qua.
Bộ Tài chính cũng cho hay, việc quản lý thị trường của Bộ Công Thương đang có vấn đề. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý III/2022, chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu sản phẩm dù trước đó đích thân Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đã chỉ đạo các đầu mối tăng cường nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
- TP.HCM: 54 cửa hàng tạm hết xăng dầu
- Giá xăng dầu ngày 3/10: Cập nhật mức điều chỉnh mới nhất
- Giá xăng dầu giảm mạnh từ 15h chiều nay 21/9
Bộ này cũng đã đồng ý với phương án tăng chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở, sau khi đã tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (từ tháng 7). Mức chi phí này dự kiến được áp dụng ngay vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày mai 11/10/2022.
Để việc điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng không tác động đến giá cơ sở xăng dầu kỳ điều hành, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu phương án giảm mức trích lập và kết hợp sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu.
Đức Dũng/TTXVN
Tags