Thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, tỉnh Kiên Giang phát triển nuôi thủy sản ven biển - đảo bền vững, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế cao phục vụ tiêu thụ trong nước và chế biến xuất khẩu đồng thời góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cư dân ven biển, hải đảo.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh hiện đang tập trung đầu tư các hướng khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước các bãi triều, eo vịnh ven biển, quanh các đảo vào nuôi thủy sản mặn, lợ như: Nuôi thủy sản mặn, lợ ở các loại hình mặt nước phù hợp những vùng ven biển, ven đảo trên cơ sở tổ chức nhiều mô hình quản lý cộng đồng gắn với sinh kế người dân địa phương; Phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên biển, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ vùng ven biển, bãi triều theo hướng nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, quảng canh cải tiến gắn với tham quan du lịch; Quản lý tốt môi trường nguồn nước, thức ăn, con giống đảm bảo sản xuất sản phẩm sạch; Đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng các sản phẩm thủy sản chế biến, nhất là những mặt hàng có giá trị kinh tế gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Đánh bắt cá. Ảnh Xuân Trường (TTXVN) |
Để phát triển nuôi thủy sản ven biển - đảo bền vững, hiệu quả, đạt các mục tiêu đến năm 2015 và năm 2020, tỉnh Kiên Giang thực hiện chính sách giao đất, mặt nước khu vực ven biển, ven đảo cho các tổ chức kinh tế, cá nhân, hộ gia đình thuê nuôi thủy sản ổn định, lâu dài; đầu tư đường giao thông, lưới điện, đặc biệt là cơ sở sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, đảm bảo nhu cầu nguồn giống thả nuôi, nhằm giúp ngư dân chủ động trong nuôi thủy sản ven biển, hải đảo.
Ngoài sử dụng lồng bè truyền thống kết hợp với cải tiến để giảm chi phí, tỉnh còn khuyến cáo ngư dân ứng dụng công nghệ làm lồng nổi Nauy có khả năng chịu sóng gió cấp 7, cấp 8 khi nuôi cá lồng bè trên biển, sử dụng thức ăn công nghiệp vừa giảm áp lực khai thác nguồn cá tự nhiên làm thức ăn, vừa giảm ô nhiễm môi trường nước; liên kết, hợp tác quốc tế để tranh thủ vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật và công nghệ mới; Xây dựng thương hiệu cho một số đối tượng nuôi chủ lực như: cá bốp, cá mú, ốc hương… gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, tỉnh còn phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như: tổ hợp tác, hợp tác xã thủy sản theo phương thức cộng đồng cùng quản lý, vừa góp phần bảo vệ tốt môi trường, hạn chế ô nhiễm, vừa tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên, nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo vùng ven biển, hải đảo. Tổ chức nuôi thủy sản theo hướng áp dụng những quy trình nuôi sạch, quy phạm thực hành nuôi tốt, quy tắc nuôi có trách nhiệm… để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vì lợi ích và sức khỏe cộng đồng.