Kiến nghị giảm phí cao tốc TP. HCM-Trung Lương

Thứ Ba, 28/02/2012 18:16 GMT+7

Google News

Ngày 28/2, Hiệp hội vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ Giao thông vận tải, Tài chính xem xét giảm phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương cho phù hợp với thực tế, nhất là xe tải nặng và container; không nên lắp đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1A để hỗ trợ cho đường cao tốc.

Các phương tiện lưu thông qua trạm thu phí - Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay chủ yếu các doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại đang sử dụng xe vận tải có tải trọng lớn (trên 10 tấn) hoặc xe đầu kéo kéo sở mi rơmoóc chở container.


Vì thế, nếu trạm thu phí hiện hành áp dụng mức thu phí đối với xe trên 18 tấn hoặc xe chở hàng bằng container 40 feet với mức giá 8.000 đồng/km, doanh nghiệp phải trả mức phí là 320.000 đồng/lượt, tương ứng với 640.000 đồng/chuyến là quá cao so với lợi nhuận từ một chuyến hàng mang lại.

Theo tính toán, một chuyến xe chở hàng trong bán kính khoảng 100km, chủ xe chỉ lãi ròng khoảng 300.000-400.000 đồng. Nếu các chủ hàng không chấp nhận tăng cước vận tải tương ứng với mức thu phí giao thông khoảng 20%, lợi nhuận một chuyến hàng chưa đủ để đóng phí sử dụng đường cao tốc. Vì thế các chủ xe, lái xe chắc chắn sẽ chọn Quốc lộ 1A để duy trì lợi nhuận đang ở mức tối thiểu.

Ông Trung cho rằng, nhà nước nên xem lại biểu phí theo hướng giảm cho loại phương tiện vận tải thương mại (giá cước tác động trực tiếp lên giá cả hàng hóa) xuống mức tương đương 50% của đơn giá hiện nay và duy trì mức phí thấp nhất có thể cho các phương tiện tham gia giao thông nhưng ít yếu tố thương mại.

Đối với việc triển khai lắp đặt trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 1A, Hiệp hội vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị không nên triển khai và cho rằng pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 năm 2001 của Ủy ban thường vụ quốc hội 28/8/2001 có quy định “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này." Trên cơ sở đó, nếu phương tiện vận tải không sử dụng dịch vụ đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương thì không có nghĩa vụ trả phí để hoàn vốn cho tuyến đường này.

Mặt khác, ông Lương Hoàng Trung cho biết hiện trong các bản dự thảo của Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng Nghị định thu “phí bảo trì đường bộ” thì sau khi chính thức áp dụng phí này, nhà nước sẽ hủy bỏ các trạm thu phí của nhà nước. Nếu lắp đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1A để hỗ trợ thu phí cho đường cao tốc thì sẽ mâu thuẫn với chủ trương nói trên.

Liên quan đến công tác thu phí trên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh- Trung Lương trong 4 ngày qua, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long (Cuu Long CIPM) cho biết từ khi tổ chức thu phí từ ngày 25/2 đến nay, lượng xe lưu thông đi vào đường cao tốc có giảm đáng kể. Hiện trung bình có khoảng 18.000 xe/ngày đêm đi vào đường cao tốc so với khoảng 32.000-35.000 xe/ngày đêm khi chưa thu phí.

Đáng chú ý, hiện phương tiện lưu thông vào đường cao tốc chủ yếu là xe chở khách, tải trọng nhỏ. Trong khi đường cao tốc khá vắng vẻ, trên tuyến Quốc lộ 1A những ngày qua lại rất tấp nập các phương tiện có tải trọng lớn, xe container “né trạm” trên đường cao tốc qua đây.

Theo Vietnam+

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›