Theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, một nghiên cứu mới đây trên tạp chí quốc tế Frontiers in Environmental Science cho thấy lòng đất ở các thành phố cổ của người Maya đã bị ô nhiễm thủy ngân nặng do thói quen sử dụng chất này rộng rãi, có khả năng gây nguy hiểm cho sức khỏe của các cư dân cổ xưa.
Học giả Duncan Cook thuộc Đại học Công giáo Australia, tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh ở một vài nơi lòng đất bị ô nhiễm nặng đến mức vẫn có thể là mối đe dọa tiềm tàng đến tận ngày nay.
Trong các địa điểm thuộc Thời kì Cổ điển (từ năm 250 đến 1100), các nhà khoa học đã phát hiện ô nhiễm thủy ngân ở Chunchumil (Mexico), Marco Gonzales và Actuncan (Belize); La Corona, Tikal, Petén Itzá, Piedras Negras và Cancuén (Guatemala); Palmarejo (Honduras) và Ceren (El Salvador). Chan b'i (Belize) là nơi duy nhất tồn tại dữ liệu sẵn có mà không phát hiện ô nhiễm thủy ngân. Nồng độ thủy ngân dao động từ 0,016 phần triệu ở Actuncan đến mức độ “bất thường” là 17,16 phần triệu ở Tikal, trong khi ngưỡng độc hại đối với chất này trong trầm tích là 1 phần triệu.
Khi tìm kiếm nguồn gốc gây ô nhiễm, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy ở nhiều địa điểm của nền văn minh Maya như Quiriqua (Guatemala), El Paraíso (Honduras) và thành phố sắc tộc Teotihuacan (miền trung Mexico) đã phát hiện nhiều bình kín chứa đầy thủy ngân lỏng. Ở một số nơi khác còn có những đồ vật được sơn bằng chất chứa thủy ngân, chủ yếu có nguồn gốc từ chu sa.
- Biến đổi khí hậu đe dọa di sản Biên thành La Mã 1.900 năm
- Những sự thật kinh hoàng về biến đổi khí hậu
Do đó, các nhà khoa học kết luận rằng trong hàng thập kỉ người Maya cổ đại đã thường xuyên dùng sơn và bột chứa chu sa để trang trí, khiến thủy ngân rò rỉ từ sân, sàn nhà, tường, đồ gốm và ngấm vào lòng đất và nước.
Giải thích về nguyên nhân người Maya ưa chuộng chu sa, tác giả Nicholas Dunning từ Đại học Cincinnati (Mỹ) cho biết người Maya tin rằng các đồ vật có thể chứa “ch'ulel” (sức mạnh linh hồn) vốn nằm trong máu.
Nghiên cứu nhận định thủy ngân có thể đã gây hại cho sức khỏe của các cư dân cổ xưa, vì người bị ngộ độc mãn tính chất này sẽ mắc các tổn thương hệ thần kinh trung ương, thận và gan, chứng run rẩy, các vấn đề về thị giác và thính giác, tê liệt và các vấn đề sức khỏe tâm thần. Các tác giả cho rằng cần nghiên cứu thêm để xác định việc phơi nhiễm thủy ngân có vai trò gì trong những thay đổi và xu hướng văn hóa xã hội của nền văn minh Maya.
Maya từng là một nền văn minh vĩ đại, đạt tới đỉnh cao của mọi lĩnh vực từ kiến trúc, toán học, thiên văn học cho đến nghệ thuật. Xuất hiện từ năm 2.000 trước Công nguyên, nhiều công trình ấn tượng của người Maya vẫn còn tồn tại trong các khu rừng ở phía Đông Nam Mexico, Guatemala, Belize và phía Tây Honduras.
Trong thời kỳ đầu Công nguyên, hàng loạt nhà nước, quốc gia của người Maya được thành lập và phát triển rực rỡ, đa dạng. Tuy nhiên, đại đa số các quốc gia này lần lượt diệt vong một cách bí ẩn và gần như biến mất hoàn toàn vào thế kỷ thứ 10.
Hồng Hạnh/TTXVN
Tags