(TT&VH) - California dự định xây hai nhà máy điện mặt trời thuộc loại lớn nhất thế giới, đủ cấp năng lượng cho 240.000 hộ gia đình (tức là tương đương cho một thành phố khoảng 1 triệu dân). Nếu chúng đi vào hoạt động từ năm 2013 thì Mỹ sẽ lên ngôi bá chủ một lĩnh vực bị châu Âu dẫn hàng chục năm nay.
Một nhà máy điện
mặt trời ở Tây Ban Nha |
Dự án này là một cột mốc quan trọng trong công nghệ điện mặt trời. Để so sánh: nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới hiện nay ở Murcia (Tây Ban Nha) có công suất vẻn vẹn 23 megawatt.
Thống đốc Arnold Schwarzenegger cũng không kém kỳ vọng vào dự án này: từ ba mươi năm nay bang California luôn dẫn đầu nước Mỹ về thành tích sử dụng năng lượng sạch, và tuy kinh tế phát triển tốt nhưng chỉ số tiêu dùng điện chia cho đầu người không hề thay đổi trong khi các bang khác tăng đến 50%. Bang này trước đây 2 năm đã ban hành một sắc lệnh giảm lượng khí nhà kính xuống mức như 1990. Bị báo chí la ó vì mua nhiều ô tô Hummer khát xăng, người hùng cơ bắp Schwarzenegger đã gương mẫu chuyển sang dùng dầu diesel sinh học.
Chính sách lớn
Mô hình một nhà máy điện ở Mỹ |
Giáo sư Daniel Kammen từ đại học California ở Berkeley công nhận: “Hôm nay tiền hỗ trợ nghiên cứu rất dồi dào”, cho dùng ông biết chắc rằng đầu tư vào năng lượng mặt trời mang độ rủi ro cao. Nhưng khủng hoảng năng lượng hiện tại là một sức động viên rất mạnh cho các nhà đầu tư.
Chính sách năng lượng mới của Mỹ dựa trên hai cây cột lớn: đánh thuế CO2 bổ lên đầu các cơ sở sinh ra nhiều thán khí, và mua điện sạch với giá cao, vì nhà nước đặt lòng tin vào tương lai của năng lượng mặt trời. Xét từ 15 năm trở lại đây, đồ thị phát triển của loại năng lượng sạch này đang theo một tiến độ đi lên, hay nói cách khác là giá thành ngày càng rẻ. Theo đà này và cùng với sự phát triển của công nghệ, trong khoảng 2020-2030 điện mặt trời sẽ xuống bằng giá nhiệt điện đốt than. Vấn đề chỉ là, ai sẽ gánh chi phí cho các nhà máy điện kinh doanh lỗ cho đến lúc đó.
Châu Âu, hay đúng hơn là chỉ một mình nước Đức đang làm việc đó. 55% công suất điện mặt trời đang hoạt động trên thế giới nằm ở Đức. Khách hàng dùng điện phải trả trội 1 cent cho mỗi Kilowatt giờ để “bù lỗ bắt buộc” cho điện mặt trời. Tuy vậy tổng tài trợ vẫn đạt mỗi năm 20 tỉ Euro, lớn hơn số tiền tài trọ ở Mỹ nhiều. Khác với Đức, California không dùng pin mặt trời trên các mái nhà dân, mà từ 1984 dùng các gương khổng lồ ở sa mạc Mojave để tụ nhiệt sản xuất hơi nước chạy turbine. Tiền đầu tư của PG&E mang lại cú đột phá - 800 Megawatt nhiều gấp 8 lần công suất được lắp đặt mỗi năm ở toàn nước Mỹ.