Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 19/7, số ca tử vong vì dùng thuốc quá liều đã tăng mạnh ở người Mỹ gốc Phi và người bản địa trong giai đoạn xảy ra đại dịch COVID-19.
Cụ thể, số ca tử vong do dùng thuốc quá liều trong năm 2020 đã tăng 44% ở người Mỹ gốc Phi, tăng 39% ở người bản địa so với năm 2019 do đại dịch COVID-19 đã gây trở ngại cho việc khám bệnh và làm gia tăng bất bình đẳng về sắc tộc.
Phát biểu tại cuộc họp báo, quyền Phó giám đốc CDC Debra Houry nêu rõ: "Phân biệt chủng tộc, nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng bất bình đẳng về y tế, tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, đang trực tiếp ảnh hưởng tới phúc lợi của hàng triệu người Mỹ". Ông nhấn mạnh sự khác biệt về tỉ lệ tử vong do dùng thuốc quá liều ở người Mỹ gốc Phi và thổ dân Mỹ phần nào là do bất bình đẳng về y tế liên quan tới việc tiếp cận thuốc điều trị và thiên vị trong điều trị.
Theo báo cáo của CDC, sự gia tăng số ca tử vong trong thời gian gần đây chủ yếu là do dùng thuốc giảm đau fentanyl được sản xuất trái phép.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tỉ lệ tử vong do dùng thuốc quá liều ở người Mỹ gốc Phi, người Mỹ bản địa và người Mỹ da trắng ở mức tương đương nhau, lần lượt là 27,26 và 25/100.000 người trong năm 2019. Tuy nhiên, tỉ lệ này đã tăng mạnh trong năm 2020, với con số tương ứng là 39,36 và 31/100.000 người. Mặc dù tỉ lệ tăng ở người Mỹ da trắng không cao như người gốc Phi và bản địa, song tỉ lệ mới này vẫn ở mức cao trong lịch sử.
Theo báo cáo, tỉ lệ tử vong do dùng thuốc quá liều ở nam giới gốc Phi từ 65 tuổi trở lên cao gần gấp 7 lần so với người Mỹ da trắng trong nhóm tuổi này. Trong khi đó, người gốc Phi từ 25-24 tuổi ghi nhận mức tăng mạnh nhất là 84% so với những mức tăng ghi nhận trong nhóm tuổi khác.
- CDC Mỹ phân phối vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho những người có nguy cơ
- CDC Mỹ khuyến nghị tiêm mũi tăng cường vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
- CDC Châu Phi cảnh báo về khả năng xuất hiện biến thể mới của Covid-19
Theo chuyên gia y tế của CDC Mbabazi Kariisa, người nghèo khó có thể tiếp cận được thuốc điều trị và các dịch vụ hỗ trợ khác do họ không có nơi ở ổn đinh cũng như phương tiện đi lại và bảo hiểm y tế.Bà Kariisa khuyến nghị cần nâng cao nhận thức về khả năng gây chết người của thuốc bị cấm như fentanyl và khuyến khích sử dụng thuốc Naloxone, cải thiện việc tiếp cận với điều trị và hỗ trợ đi lại, chăm sóc trẻ em, có thể giúp cải thiện việc tiếp cận về y tế.
Minh Châu/TTXVN
Tags