Các nước Tây Âu đang phải hứng chịu đợt nắng nóng như thiêu đốt tới sớm, với nhiệt độ ở nhiều nơi đạt mức 40 độ C. Thậm chí ở Pháp nhiệt độ lên tới 42-43 độ C, cảnh báo không khí có hại cho sức khỏe. Thực trạng này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ cháy rừng, cũng như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Đợt nắng nóng khắc nghiệt
Những ngày qua, Pháp, Tây Ban Nha và một số nước Tây Âu đang hứng chịu mức nhiệt cao nhất trong đợt nắng nóng tháng 6. Giới khoa học đã cảnh báo rằng hiện tượng này sẽ xuất hiện sớm hơn mọi năm do tình trạng nóng lên toàn cầu, gây ra hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan và cháy rừng.
Đợt nắng nóng đầu tiên trong năm đã đẩy nền nhiệt lên rất cao tại nhiều vùng ở Đức và khu vực Tây Nam Âu. Cụ thể, Cơ quan Thời tiết Đức (DWD) ngày 19/6 cho biết nhiệt độ đã lên tới hơn 38 độ C tại nhiều trạm khí tượng ở các bang Thüringen, Sachsen và Brandenburg. Đặc biệt tại Cottbus (bang Brandenburg), kỷ lục nhiệt độ mới trên toàn nước Đức được ghi nhận trong 10 ngày thứ hai của tháng 6 (từ ngày 11-21/6) khi nhiệt độ lên tới 39,2 độ C. Cho tới nay, nhiệt độ cao kỷ lục đo được trong khoảng thời gian này chỉ là 38,3 độ C ở Rheinland năm 2002. Ngoài ra, nhiệt độ từ 35-38 độ C cũng được ghi nhận tại hầu hết các khu vực ở miền Nam và Đông Nam nước Đức.
Tại Pháp, Cơ quan Thời tiết Météo France thông báo đợt nắng nóng sớm nhất kể từ năm 1947, trong đó nhiệt độ cao nhất ghi nhận được ở thị trấn Tây Nam Biarritz với 42,9 độ C. Đợt nắng nóng gây hạn hán tại nhiều nơi trên cả nước Pháp trở nên trầm trọng hơn, nhiều khu vực ghi nhận mốc nhiệt từ 38-40 độ C. Cơ quan khí tượng Pháp cho biết, đây là đợt nắng nóng mùa hè đến sớm nhất từ trước đến nay tại nước này, làm gia tăng nguy cơ cháy rừng. Theo đó, nắng nóng lan rộng ra cả nước Pháp từ ngày 18/6, nhiệt độ tại Thủ đô Paris lên đến 39 độ C. Hầu hết các khu vực ở Pháp được cảnh báo về tình trạng nắng nóng, trong đó 12 khu vực ở miền Tây Nam dự báo hứng chịu mức nhiệt cao nhất.
Bộ Y tế Pháp đã phải kích hoạt đường dây nóng và đưa ra cảnh báo đỏ về tình trạng nắng nóng gay gắt. Gần 3/4 dân số Pháp, tương đương khoảng 45 triệu người dân Pháp sống ở những vùng nhận được cảnh báo mức nhiệt báo động màu đỏ hoặc màu cam trong đợt nóng đến sớm nhất từng ghi nhận ở nước này. Đối với một số người dân sống tại thủ đô Paris, đặc biệt những ai sống trong các khu nhà cũ chật chội, nắng nóng như thiêu đốt cảm giác rất ngột ngạt.
Nhiều khu vực khác ở Pháp cũng đã ghi nhận nồng độ ozone cao độc hại trong không khí do đợt khí nóng này. Ozone được coi là chất ô nhiễm thứ phát, tạo ra khi các phương tiện giao thông và các khu công nghiệp phát thải ra các chất ô nhiễm chẳng hạn như các chất dung môi và hydrocarbon phản ứng với ánh nắng mặt trời tạo nên. Kết quả là khí phát thải này sẽ gây ra ảnh hưởng tới sức khỏe của một số người dân như ho, hắt hơi, tức ngực. Trẻ em chơi ngoài trời cũng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng.
Thủ tướng Pháp kêu gọi người dân thận trọng, uống nhiều nước, ở những khu vực mát mẻ và giữ liên lạc với người thân. Giới chức Thủ đô Paris và các thành phố khác cũng ban bố cảnh báo ô nhiễm không khí có thể xảy ra khi ánh nắng gay gắt có thể biến khí thải carbon thành khói bụi.
Tại Tây Ban Nha, người dân nước này cũng đang hứng chịu đợt nắng nóng sớm nhất ghi nhận trong lịch sử hơn 40 năm, với mức nhiệt độ lên tới 40 độ C (104 độ F) ở Madrid. Với nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ C ở các khu vực miền trung và nam Tây Ban Nha, đợt nắng nóng hiện tại được cho là xuất hiện sớm, bằng với đợt nắng nóng từ năm 1981. Cơ quan thời tiết quốc gia Tây Ban Nha AEMET cảnh báo, đợt nắng nóng có thể còn tồi tệ hơn trên khắp đất nước do sự hiện diện của cát và bụi trong không khí từ Sahara.
Nắng nóng gây cháy rừng đã thiêu rụi gần 9.000 ha đất ở vùng Sierra de la Culebra, miền Tây Bắc Tây Ban Nha ngày 17/6, khiến khoảng 200 người phải rời nhà cửa. Trong khi đó, hơn 3.000 người phải sơ tán khỏi công viên Puy du Fou ở miền Trung Tây Ban Nha do đám cháy lớn gần đó. Các nhân viên cứu hỏa đang ra sức dập lửa ở một số khu vực khác, bao gồm rừng cây ở Catalonia, nơi cái nóng đã khiến tình hình cháy rừng thêm nghiêm trọng.
Không chỉ tại Pháp và Tây Ban Nha, một số thị trấn ở miền Bắc Italy như vùng Lombardy và Piedmont cũng có thể phải ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán kỷ lục đe dọa mùa màng. Tại Turin, nguồn cung điện cũng bị gián đoạn. Mực nước tại sông Po hiện thấp khoảng 3,70m so với mức trung bình và đây là mức thấp nhất trong vòng 70 năm qua. Nông dân sống ở vùng đồng bằng Po đang kêu gọi xả nước từ các hồ ở phía Bắc vào các nhánh sông để có nguồn nước tưới cho các cánh đồng trong vùng. Lãnh đạo nhiều khu vực cảnh báo nguy cơ mất mùa gần như hoàn toàn nếu không nhanh chóng tìm ra giải pháp. Theo Bộ Nông nghiệp và Hiệp hội nông dân Italy, khô hạn cho đến nay đã gây thiệt hại lên tới hơn 2 tỷ USD.
Tại Anh, các nhà khí tượng học cho biết nước này đã ghi nhận ngày 17/6 là ngày nóng nhất trong năm, với nhiệt độ lên tới hơn 30 độ C vào đầu giờ chiều. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Anh phá kỷ lục về nhiệt độ, với trước đó là 28 độ C vào ngày 15/6 và 29,5 độ C trong ngày 16/6.
Chính quyền Hà Lan cũng đưa ra cảnh báo, trong những ngày tới sẽ là ngày nóng nhất tại nước này từ đầu năm đến nay. Cơ quan khí tượng quốc gia dự báo thành phố Limburg phía Nam đất nước sẽ đạt 35 độ C. Các chuyên gia khí tượng cho rằng, nắng nóng sớm trong mùa hè này là do hiện tượng nóng lên toàn cầu, khiến các mức nhiệt độ vốn chỉ có vào tháng 7, tháng 8 lại đã xảy ra ngay tháng 6 tại Tây Âu.
Tác động của sự biến đổi khí hậu
Các chuyên gia cho biết, nếu con người tiếp xúc với ánh nắng quá lâu trong bối cảnh nhiệt độ cao như vậy sẽ cực kỳ nguy hiểm. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới, nhiệt độ quá cao sẽ gây mệt mỏi cho cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp và tim mạch.
Nắng nóng, biến đổi khí hậu cũng có khả năng làm tăng nguy cơ bệnh truyền nhiễm. Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature, khả năng nhiễm chéo có thể ngày càng gia tăng mạnh mẽ khi khí hậu trái đất nóng lên, có thể lây nhiễm hàng nghìn loại virus mới cho con người. Do sự nóng lên toàn cầu buộc các động vật phải di chuyển nơi sinh sống để tìm đồ ăn và nơi có điều kiện thời tiết lạnh hơn. Các tác giả nghiên cứu dự báo, sẽ có ít nhất 15.000 đợt lây truyền virus mới giữa các loài vào năm 2070 nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C. Chuyên gia cảnh báo rằng, việc các nước thất bại trong mục tiêu kiềm chế tình trạng biến đổi khí hậu và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ gây ra thảm họa tồi tệ hơn.
Theo các nhà khoa học, nếu như trước đây các đợt nắng nóng ở châu Âu thường xảy ra vào tháng 7 và tháng 8 thì năm nay lại xảy ra ngay từ tháng 6. Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, đợt nắng nóng sớm và dữ dội này là dấu hiệu của biến đổi khí hậu hay nói cách khác là sự nóng lên toàn cầu.
Phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do hoạt động của con người đang làm gia tăng mức độ, cường độ và kéo dài thời gian của mỗi đợt nóng cũng như tần suất lặp lại của những đợt nóng này.
Thời tiết nóng do biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, làn sóng nhiệt xuất hiện ngày càng sớm mỗi năm chính vì biến đổi khí hậu. Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organisation-WMO) cũng đưa ra cảnh báo về viễn cảnh tương lai. Người phát ngôn Tổ chức Khí tượng Thế giới ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ Clare Nullis cho biết, những gì thế giới đang phải chứng kiến và trải qua hôm nay mới là khúc dạo đầu của tương lai và nếu không có những biện pháp thực sự cụ thể và hiệu quả, thì tình trạng này sẽ còn diễn biến phức tạp hơn nữa, mà con người khó có thể tưởng tượng ra.
Trên thực tế, trước đây giới khoa học từng cảnh báo rằng hiện tượng nắng nóng bất thường sẽ xuất hiện sớm hơn do tình trạng nóng lên toàn cầu. Và bởi vậy, những gì đang diễn ra ở châu Âu chính là lời cảnh báo đối với thái độ và trách nhiệm của con người trong việc bảo vệ môi trường trên toàn cầu, chứ không riêng gì ở lục địa này.
Theo các chuyên gia, có nhiều cách để giảm tác động của nắng nóng như sơn trắng mái nhà ở các nước nóng để phản chiếu ánh nắng mặt trời, trồng cây thường xuân trên tường ở các vùng ôn đới, trồng cây lấy bóng mát, xây đài phun nước và nhiều mảng xanh hơn ở các thành phố, thay đổi vật liệu sử dụng cho các tòa nhà… đều được đánh giá có thể hữu ích, và tất cả người dân đều có thể làm được.
Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ là tạm thời, và phương án tối ưu nhất chỉ có cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới có thể ngăn chặn sự hỗn loạn khí hậu. Các đợt nắng nóng đang diễn ra khi Trái đất ấm lên khoảng 1,2 độ C so với mức tiền công nghiệp. Các quốc gia đã nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc COP26 vào tháng 11/2021 sẽ nỗ lực không để nhiệt độ tăng quá 1,5 độ C. Nếu không đạt được mục tiêu này thì những tán cây râm mát hoặc những mái nhà trắng cũng không bảo vệ được khoảng 1 tỉ người phải chịu cái nóng khắc nghiệt.
Bên cạnh đó, hiện EU đang thảo luận về một gói biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, đề xuất cải tổ thị trường carbon nhằm giảm phát thải, cấm bán ô tô sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2035 và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Các đề xuất này được đưa ra nhằm giảm 55% lượng khí thải nhà kính của EU vào năm 2030 so với các mức của năm 1990.
An Ngọc/TTXVN (tổng hợp)
Tags