Người trẻ Hàn Quốc ngày càng 'ngại' kết hôn vì cuộc sống quá đắt đỏ

Thứ Hai, 19/12/2016 11:15 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo Cục thống kê Hàn Quốc (KOSTAT), năm 2016 có 5,2 triệu người Hàn Quốc sống độc thân, chiếm 27,2% trên tổng 19,1 triệu hộ gia đình trên cả nước.

Joan Cho (40 tuổi) đến từ thành phố Seoul, Hàn Quốc đã sống độc thân gần 20 năm nay để tập trung cho sự nghiệp. Nhiều lúc, Cho cũng có nhu cầu tìm người đồng hành để đi du lịch khắp thế giới. Nhưng khi chứng kiến cảnh bạn bè tất bật với con cái và thậm chí xin nghỉ việc để chăm sóc gia đình, cô lại cảm thấy hài lòng với cuộc sống tự do hiện tại.

Không chỉ riêng Cho, ngày càng nhiều người Hàn Quốc lựa chọn sống một mình. Nguyên nhân bắt nguồn từ khó khăn tài chính, ly hôn hoặc vợ/chồng chết. Theo Cục thống kê Hàn Quốc (KOSTAT), năm 2016 có 5,2 triệu người Hàn Quốc sống độc thân, chiếm 27,2% trên tổng 19,1 triệu hộ gia đình trên cả nước.

Trong đó, những người trên 30 tuổi chiếm 18,3%. Người trên 70 tuổi và ở độ tuổi 20 chiếm lần lượt là 17,5% và 17%. Tỷ lệ này tăng đột biến so với kết quả khảo sát năm 1990 với 9% dân số sống độc thân.


Một nhà hàng dành cho người độc thân ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Xu hướng sống độc thân tăng cao kéo theo sự phát triển của các quán ăn, vũ trường, quán cafe và công ty sản xuất đồ điện tử. Công ty Lanchester F&B sở hữu chuỗi 16 nhà hàng trên khắp Hàn Quốc, chuyên chỉ phục vụ những ai còn “đơn chiếc”. Tất cả bàn ghế bên trong nhà hàng Single Bossam của Lanchester F&B được thiết kế chỉ vừa một người ngồi ăn.

Phó Giám đốc công ty Lanchester F&B, ông Park Geon-uk cho hay mỗi nhà hàng đều có một quầy bar lớn để các khách hàng thưởng thức bữa ăn. Nhà hàng luôn giữ khoảng cách giữa các ghế ngồi để khách hàng cảm thấy thoải mái và không bị làm phiền.

Các quán rượu dành cho người độc thân mọc lên như nấm ở Seoul. Hai năm trước, anh Lee Sang-hoon khai trương quán rượu Atlantis gần Đại học Hongik ở trung tâm Seoul. Giống như Single Bossam, quán Atlantis của anh cũng có một quầy bar lớn, nơi khách hàng có thể trò chuyện với chủ quán trong khi uống rượu. Để giúp khách hàng quên đi nỗi cô đơn và buồn chán, quán rượu đã thuê người chơi nhạc và lắp đặt máy tính bảng kết nối Internet.

Nhắm vào các khách hàng còn độc thân, công ty điện tử Dongbu Daewo tìm cách đa dạng hóa mặt hàng đồ gia dụng cỡ nhỏ bao gồm tủ lạnh, máy giặt và lò vi sóng. “Trong bối cảnh ngày càng nhiều người sống một mình, thị trường đồ gia dụng mini rất phát triển. Công ty của chúng tôi đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm gia dụng không những phù hợp với không gian nhà nhỏ mà còn có kiểu dáng hiện đại dành cho những người trẻ tuổi”, đại diện của  công ty, ông Gwon Dae-hoon nói.

Đối với người làm kinh doanh, xu hướng sống một mình mở ra nhiều cơ hội làm ăn mới. Song đối với các nhà học giả, xu hướng này ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề già hóa dân số, đặc biệt là tình trạng giảm tỷ lệ sinh. Tỷ lệ sinh hiện nay của Hàn Quốc là 1,2 trẻ/ bà mẹ, sau khi được vực lên từ mức thấp kỷ lục 1,08 trẻ vào năm 2005.

Theo nhà nghiên cứu Lee Sang-lim đến từ Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, việc những người trẻ tuổi từ chối kết hôn là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh thấp. Nếu tình trạng này tiếp diễn, trong tương lai chính phủ Hàn Quốc sẽ phải chi trả nhiều hơn cho quỹ phúc lợi xã hội của người già.  

Các học giả cho rằng người trẻ “ngại” kết hôn vì chi phí sinh hoạt quá đắt đỏ và đặc thù công việc không ổn định. Do đó, họ nhấn mạnh chính phủ cần có những chính sách cụ thể và dài hạn để giảm bớt gánh nặng hôn nhân.       

“Tự thân vận động” trong suốt 10 năm kể từ khi bắt đầu vào đại học,  anh John Kim đến từ thành phố Suwon, phía Nam Seoul cho biết điều tuyệt vời của việc sống độc thân là sống theo cách của riêng mình và dành toàn bộ thời gian cũng như tiền bạc cho bản thân.

“Bạn không cần thay đổi bản thân vì người khác. Bạn có thể hút thuốc ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào bạn muốn; bạn cũng có thể ngủ bất cứ lúc nào và tiêu tiền nếu thích. Nói tóm lại, bạn được tự do lựa chọn”, Kim tâm sự. Tuy nhiên, anh Kim thừa nhận rằng cuộc sống tự lập cũng có những bất lợi: “Bạn sẽ cảm thấy cô đơn. Mặt khác, bạn không có ai để dựa dẫm khi gặp khó khăn hay bệnh tật”.

Theo Yonhap

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›