(Thethaovanhoa.vn) - Báo Straits Times đã đưa ra nhận định về tác động từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đối với châu Á khi căng thẳng tiếp tục gia tăng.
Bất kỳ cuộc xung đột nào xảy ra tại biên giới giữa Ukraine với Nga đều sẽ gây ra những hậu quả rõ rệt đối với châu Á. Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ cố gắng hết sức để tránh vướng vào làn sóng giao tranh này.
Tuy nhiên, ở châu Âu và Australia, ngày càng có nhiều lo lắng cho rằng cuộc này là điều không thể tránh khỏi.
Trung Quốc “thân” Nga nhưng phản đối chiến tranh
Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình ngay trước lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022, họ đã đưa ra một tuyên bố chung dài 5.300 từ đặc biệt mô tả tình hữu nghị giữa hai nước là không có giới hạn.
Đáng chú ý, Trung Quốc lần đầu tiên ra mặt phản đối sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như đồng thuận với Nga khi phản đối Ukraine gia nhập liên minh quân sự này.
"Các bên phản đối sự mở rộng hơn nữa của NATO và kêu gọi liên minh này từ bỏ một số phương pháp tiếp cận theo tư tưởng Chiến tranh Lạnh, tôn trọng chủ quyền, an ninh và lợi ích của các nước khác", văn bản viết mặc dù không đề cập đến Ukraine.
Ấn Độ mắc kẹt giữa Nga và Mỹ
Tháng trước, Ấn Độ đã quyết định bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Nga do chỉ nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc, nên đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu này. Kết quả bỏ phiếu gồm 10 phiếu chống, 2 phiếu thuận và 3 phiếu trắng đã dẫn đến cuộc họp của Hội đồng Bảo an vào ngày 31/1. Ấn Độ, Gabon và Kenya - tất cả đều là thành viên không thường trực của hội đồng - đã bỏ phiếu trắng.
Động thái bỏ phiếu trắng cho phép Ấn Độ né tránh rơi vào thế khó giữa hai cường quốc Nga và Mỹ. Thế nhưng Mosckva vẫn cảm ơn New Delhi, đối tác lâu năm từ thời Liên Xô.
Nhật Bản thận trọng thể hiện tình đoàn kết với Ukraine
Để thể hiện tình đoàn kết với Kiev, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua nghị quyết cho biết Tokyo quan tâm sâu sắc và luôn ở bên những người dân Ukraine đang hy vọng vào sự ổn định của đất nước và khu vực của họ.
Nhưng nghị quyết hôm 8/2 đã bỏ qua việc đề cập trực tiếp đến Nga, khi các nhà hoạch định chính sách cân nhắc kỹ lưỡng cách tiếp cận tốt nhất của họ trong trường hợp xấu nhất: một cuộc chiến tranh.
Đồng minh an ninh của Nhật Bản, Mỹ được cho là đang thúc giục nước này có lập trường kiên định bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu căng thẳng bùng phát, cũng như cùng với các nước phương Tây khác ủng hộ đồng minh.
Hy vọng và hoài nghi về chính sách ngoại giao của Tổng thống Macron
Các chính phủ ở châu Âu đang bày tỏ hy vọng rằng sáng kiến ngoại giao do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra có thể ngăn chặn sự can thiệp quân sự của Nga tại Ukraine và một cuộc đối đầu an ninh rộng lớn hơn trên lục địa già.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều hoài nghi, đặc biệt là giữa các chính phủ Trung và Đông Âu, về những gì ông Macron có thể đã hứa với Tổng thống Nga Vladimir Putin để đổi lấy việc hạ nhiệt căng thẳng.
Và mặc dù trọng tâm giải quyết hiện nay là cách tiếp cận ngoại giao nhưng việc xây dựng lực lượng quân đội Nga xung quanh Ukraine vẫn tiếp tục không suy giảm. Cộng đồng tình báo quân sự dự đoán rằng tuần tới có thể là cao điểm của cuộc khủng hoảng này.
Không khí bình tĩnh tại Ukraine
Các hầm tránh bom đã sẵn sàng. Các lớp tập huấn tự vệ đề phòng trường hợp xảy ra xung đột không vắng bóng học viên. Thế nhưng người Ukraine cho biết họ vẫn giữ được bình tĩnh, ngay cả khi không thoải mái, khi căng thẳng với Nga tăng cao.
Một phần lý do nằm ở niềm tin rằng biện pháp can dự của các cường quốc phương Tây khác sẽ là biện pháp ngăn chặn đối với bất kỳ hành động xâm lược công khai nào.
"Nhiều người không tin chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào, vì phương Tây đang theo dõi sát tình hình ở biên giới Nga-Ukraine. Và chúng tôi tin rằng Mỹ là một lực lượng răn đe mạnh mẽ", bà Mykola Siruk, cộng tác viện tại cơ quan truyền thông Internet Glavcom ở Ukraine, nói với The Straits Times.
Cách tiếp cận dè dặt của Australia
Tại cuộc họp an ninh ở Canberra vào sáng 7/2 giữa Thủ tướng Australia Scott Morrison và nội các, phần mở đầu trong chương trình nghị sự không giống thường tình, chẳng hạn như là căng thẳng với Trung Quốc hay đại dịch COVID-19.
Thay vào đó, Ủy ban An ninh Quốc gia của Nội các, gồm Thủ tướng và 7 bộ trưởng cấp cao, đã bắt đầu thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Australia không phải là thành viên của NATO và cũng không thường xuyên coi các sự kiện ở Đông Âu là ưu tiên hàng đầu của mình, nhưng họ đã lên tiếng tuyên bố lo ngại về mối đe dọa mà Nga gây ra đối với Ukraine.
- Mỹ và Nga vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại về Ukraine
- Ngoại trưởng Nga chỉ trích Mỹ tuyên truyền thông tin sai lệch về Ukraine
- Nhiều nước kêu gọi công dân rời khỏi Ukraine
Giá lương thực, chuyến bay ở châu Á có thể bị ảnh hưởng
Các chuyên gia nói với báo Straits Times rằng Singapore nói riêng, hay châu Á nói chung, nên đề phòng chi phí thực phẩm cùng các loại hàng hóa khác tăng lên, đồng thời chuẩn bị về rủi ro đối với các đường bay quốc tế nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine trở thành xung đột.
Họ cho hay tác động của xung đột Moskva - Kiev đối với Singapore có thể không hiện hình ngay lập tức, đồng thời nói thêm rằng Singapore có thể sẽ không đứng về phía nào nếu tình hình xấu đi.
Tiến sĩ Ian Storey tại Viện Yusof Ishak lưu ý Ukraine là nước xuất khẩu lương thực lớn, và nếu xảy ra xung đột kéo dài sẽ khiến hoạt động xuất khẩu nông sản của nước này sang khu vực này bị ảnh hưởng. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ukraine gồm ngũ cốc, dầu thực vật.
Theo Hoàng Trang/Báo Tin tức
Tags