Sáng 12/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm xét xử nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo trong vụ án "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế”.
Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Thẩm phán Đào Bá Sơn (Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội) làm chủ tọa phiên tòa. Ba kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (được biệt phái về Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội) và hai kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.
Trong số 14 bị cáo, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và hai bị cáo: Nguyễn Việt Hùng (sinh năm 1956, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế), Lê Đình Thanh (sinh năm 1982, nguyên công chức Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285, khoản 2 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Hai bị cáo: Phạm Hồng Châu (sinh năm 1957, nguyên Trưởng Phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế), Nguyễn Thị Thu Thủy (sinh năm 1976, nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 281, khoản 2 – Bộ luật Hình sự năm 1999.
Chín bị cáo: Nguyễn Minh Hùng (sinh năm 1978, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma), Võ Mạnh Cường (sinh năm 1978, nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Hàng hải Quốc tế H&C), Nguyễn Trí Nhật (sinh năm 1975, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma), Ngô Anh Quốc (sinh năm 1984, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma), Phan Cẩm Loan (sinh năm 1973, nguyên Phó trưởng Phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma), Lê Thị Vũ Phương (sinh năm 1982, nguyên Kế toán Trưởng Công ty VN Pharma), Phạm Anh Kiệt (sinh năm 1963, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dược Sài Gòn), Phạm Quỳnh Trang (sinh năm 1980, nguyên nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại hàng hải Quốc tế H&C), Nguyễn Thị Quyết (sinh năm 1983, nguyên nhân viên Phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma) bị truy tố về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” theo quy định tại Điều 157, khoản 4 – Bộ luật Hình sự năm 1999.
Tại phiên tòa, 6 tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được Hội đồng xét xử triệu tập, gồm đại diện các cơ quan: Bộ Y tế, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Tổng cục Hải quan, Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty VN Pharma, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Hàng hải Quốc tế H&C. Khoảng 30 người làm chứng có mặt tại phiên tòa.
Tổng số hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Trong đó, riêng bị cáo Trương Quốc Cường có 6 luật sư bào chữa.
Nhập khẩu và tiêu thụ thuốc giả tại Việt Nam
Theo cáo trạng công bố tại phiên tòa, lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý Dược và Hải quan, trong các năm 2008-2010, Nguyễn Minh Hùng đã cùng một số người khác lập hồ sơ giả các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada để xin cấp số đăng ký.
Sau đó, Hùng cùng đồng phạm buôn bán, nhập khẩu, thông quan một số lượng lớn thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ vào Việt Nam để tiêu thụ trong nước, gây thiệt hại về kinh tế và sức khỏe cho người bệnh. Các bị cáo đã làm giả hợp đồng và phụ lục hợp đồng mua bán, nâng khống giá thuốc, làm giả chứng từ thay đổi nguồn gốc xuất xứ thuốc, hợp thức chứng từ thanh toán để thông quan, nhập khẩu 838.100 hộp thuốc giả, trong đó tiêu thụ gần 624.000 hộp thuốc, thu lợi bất chính hơn 31,5 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát xác định, bị cáo Trương Quốc Cường (khi đó là Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế) đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao, thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc, đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện cấp dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, với trị giá hơn 148 tỷ đồng.
Không đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ
Sau khi xảy ra vụ án VN Pharma giai đoạn I, Cục Quản lý dược đã ban hành Văn bản số 14097 ngày 19/8/2014, Văn bản số 14654 ngày 26/8/2014, gửi bằng đường văn thư và qua thư điện tử, đề nghị Đại sứ quán Canada tại Việt Nam xác minh thông tin về 4 công ty Dược của Canada đang hoạt động về thuốc tại Việt Nam, trong đó có Công ty Health 2000 Canada. Văn bản có nêu các thông tin như: Địa chỉ Email, địa chỉ trụ sở, số điện thoại, số fax của Cục Quản lý dược để tiếp nhận kết quả xác minh.
Sau đó, Cục Quản lý dược đã nhận được hai email phản hồi đề nghị xác minh. Trong đó, email ngày 2/10/2014 của Cơ quan Điều tra và Xác minh sự tuân thủ Thanh tra sản phẩm y tế và Thực phẩm Bộ Y tế Canada (viết tắt là Cơ quan điều tra Canada) có nội dung: “Bộ Y tế Canada xin thông báo với quý cơ quan rằng, cả Helix Pharmaceuticals Inc. và Health 2000 Inc. đều không sở hữu giấy phép sản xuất thuốc hợp lệ, cũng như không có bất kỳ sản phẩm nào có Mã định danh sản phẩm thuốc hợp lệ. Do đó, các công ty này không có bất kỳ sản phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Canada. Nếu quý cơ quan cần thêm thông tin, vui lòng đừng ngại liên hệ với chúng tôi”. Những email này đã được báo cáo tới Trương Quốc Cường nhưng bị cáo Cường đã bút phê “Cần có con dấu + chữ ký”. Sau đó, mặc dù cán bộ của Cục Quản lý dược có phiếu trình, ngày 3/11/2014, Trương Quốc Cường tiếp tục bút phê vào phiếu trình trên: “Tôi đã đề nghị cần có công văn chính thức (có Letter head và dấu, chữ ký); - Đề nghị lưu hồ sơ báo cáo cơ quan chức năng khi có yêu cầu”.
Đến ngày 13/11/2014, Trương Quốc Cường chỉ đạo Phó Cục trưởng Nguyễn Việt Hùng ký Công văn số 11/QLD-ĐK gửi Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an (A83, nay là A03) đề nghị phối hợp xác minh thông tin về Health 2000 Canada và Phó Cục trưởng Nguyễn Tất Đạt ký Công văn số 19727/QLD-KD gửi Tổng Cục Hải quan đề nghị tạm dừng nhập khẩu các thuốc do Health 2000 Canada sản xuất hoặc cung cấp vào Việt Nam. Ngày 1/12/2014, Cục Giám sát Hải quan - Tổng Cục Hải quan đã ban hành văn bản số 1590/GSQL-GQ1 tạm dừng nhập khẩu thuốc Health 2000 Canada.
- Ngày 12/5, xét xử nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo
- Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thiếu trách nhiệm, để xảy ra một loạt sai phạm
- Truy tố Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị can
Ngày 21/11/2014, Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an ban hành Công văn số 3714/CV-A83 (đóng dấu “Mật”), gửi Cục trưởng Trương Quốc Cường đề nghị cung cấp tài liệu về các thuốc Health 2000 Canada, nội dung văn bản nêu rõ: “A83 đang phối hợp điều tra vụ án Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường cùng đồng bọn buôn lậu thuốc chữa bệnh, xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành. Quá trình điều tra phát hiện hoạt động nhập khẩu thuốc do Công ty Health 2000 Inc Canada sản xuất có dấu hiệu sai phạm tương tự như thuốc của Công ty Helix Pharmaceutical Inc Canada. A83 đề nghị Quý Cục cung cấp các tài liệu có liên quan”.
Mặc dù nhận được nhiều nguồn thông tin cảnh báo như nêu trên nhưng Trương Quốc Cường không quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi số thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn mác Health 2000 Canada đã nhập khẩu. Việc này dẫn đến hậu quả là sau ngày 21/11/2014, 4 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada, không rõ nguồn gốc xuất xứ (H2K Levofloxacin, H2K Ciprofloxacin, Kaderox-250 và MGP Moxinase-625) vẫn được cung cấp cho các đơn vị kinh doanh dược, các cơ sở y tế để bán, sử dụng điều trị cho người bệnh, có trị giá hơn 3,7 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát xác định, hành vi của bị cáo Trương Quốc Cường đã vi phạm quy định tại Điều 38 - Luật Dược 2005; vi phạm điểm e khoản 1, điểm b, khoản 2 - Điều 13 và khoản 1 - Điều 27 Thông tư 09/2010/TT-BYT ngày 28/4/2010 của Bộ Y tế về Hướng dẫn việc quản lý chất lượng thuốc.
Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 1 tuần.
Kim Anh/TTXVN
Tags