Trong cuộc họp của Nhóm chuyên gia tư vấn đề đối sách phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản ngày 23/6, các chuyên gia đã bày tỏ quan ngại về khả năng số ca nhiễm mới tại Nhật Bản có thể tăng do hiệu quả miễn dịch sau khi tiêm vaccine giảm theo thời gian.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tại cuộc họp, các chuyên gia cho biết tình hình lây nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản tiếp tục xu hướng giảm, tuy nhiên xu hướng này đang dần chững lại và một số địa phương có dấu hiệu đi ngang, trong đó lưu ý tình hình dịch tại tỉnh Okinawa khi số ca mắc mới những ngày gần đây tăng lên và là địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất tại Nhật Bản.
Đối với các thành phố lớn, các chuyên gia dự báo không gia tăng số ca nhiễm mới một cách đột biến. Tuy nhiên, do khả năng miễn dịch của cơ thể dần giảm theo thời gian, xu hướng tiếp xúc đông người tăng lên trong kỳ nghỉ Hè và nguy cơ xuất hiện biến thể mới sau khi Nhật Bản xác nhận các ca nhiễm biến thể BA.4 và BA.5, trong thời gian tới, số ca nhiễm mới tại Nhật Bản có thể tăng lên, gây ảnh hưởng đối với hệ thống y tế. Do đó, giới chuyên gia khuyến nghị các cơ quan quản lý cần chú ý giám sát tình hình một cách chặt chẽ.
- Nhật Bản ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron
- Dịch Covid-19: Nhật Bản ghi nhận gần 400 ca mắc biến thể mới
- Dịch COVID-19: Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm vượt ngưỡng 40.000 người
Các chuyên gia cũng khuyến cáo các địa phương của Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy tiêm chủng vaccine mũi bổ sung và người dân cần triệt để thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản như không đi ra ngoài khi tình trạng sức khỏe kém, đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên. Đối với các cơ sở y tế và trung tâm điều dưỡng, các chuyên gia đề nghị thực hiện các biện pháp phòng dịch một cách linh động, phù hợp, thúc đẩy tiêm chủng vaccine mũi 4 để phòng ngừa nguy cơ biến chứng nặng đối với những người cao tuổi.
Đức Thịnh/TTXVN
Tags