Nhiều mặt hàng có “giá mới” từ 1/3

Thứ Tư, 02/03/2011 11:37 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Từ hôm qua 1/3 cùng với xăng dầu, điện, giá cước vận tải, nhiều mặt hàng đã bắt đầu “lộ trình” tăng giá mới. Vậy thực tế giá cả những mặt hàng này tăng bao nhiêu và nó tác động đến đâu lên đời sống người dân?

Từ sáng 1/3, một loạt hãng taxi TP.HCM đã áp dụng giá cước mới với mức tăng trung bình khoảng 1.500 đồng mỗi km. Cụ thể, giá cước taxi tăng 1.500 đồng/km đối với những hành khách đi xe có đoạn đường dài từ 1km – 30km. Kể từ km thứ 31 trở đi, tùy theo loại xe bốn chỗ hay bảy chỗ mà cước phí taxi sẽ giảm dần. Mức giá từ km thứ 31 trở đi, đối với dòng xe 7 chỗ là 10.500 đồng, tăng 1.000 đồng, đối với dòng xe 4 chỗ là 9.500 đồng, tăng 1.000 đồng.

Cước vận tải đồng loạt tăng

Theo quy định, để điều chỉnh giá cước, các hãng taxi chỉ phải gửi bản thông báo giá cho Sở Tài chính các địa phương, nơi doanh nghiệp hoạt động. Hiện TP.HCM có hơn 30 doanh nghiệp với khoảng trên 10.000 xe taxi hoạt động. Các doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục trình cơ quan chức năng và áp dụng mức giá mới trong vài ngày tới.

Tại Hà Nội, một loạt hãng taxi cũng áp dụng mức giá cước mới với mức tăng phổ biến 1.000 - 1.500 đồng so với giá cũ. Ví dụ taxi Thủ đô, đối với xe 4 chỗ trong 20km đầu tiên sẽ tăng thêm tăng 1.200 đồng mỗi km lên mức giá 12.700 đồng. Từ km thứ 21 trở đi, giá cước tăng 1.000 đồng lên 9.500 đồng.

Giá cước vận tải bắt đầu tăng theo xăng, dầu
Đối với dòng xe 7 chỗ trong 20km đầu tiên sẽ tăng 1.500 đồng mỗi km lên 13.500 đồng. Còn từ km thứ 21 tăng 1.000 đồng mỗi km lên 10.500 đồng. Đối với xe khách tại TP.HCM, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết: Hiện bến xe có 231 doanh nghiệp vận tải hành khách đang hoạt động. Nhiều nhà xe đã bắt đầu tăng giá cước từ ngày 24/2 khi xăng dầu tăng giá. Đến ngày hôm qua 1/3, đã có 28 doanh nghiệp đăng ký tăng giá vé. Mức tăng chung từ 10 - 20% tùy theo cự ly từng tuyến. Tuy nhiên, ông Hải cũng cho biết, thực tế nhiều nhà xe chưa kịp đăng ký cũng đã tăng giá vé đối với hành khách. Theo ông Hải: “Vài ngày tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp đăng ký tăng giá vé”.

Còn tại Hà Nội, các nhà xe cũng đã nâng mức tăng giá lên từ 10% - 15%. Ví dụ tại Bến xe Gia Lâm, xe chất lượng cao Hải Âu chạy tuyến Hải Phòng – Gia Lâm tăng 10% giá vé lên 60.000 đồng, xe khách Bắc Giang chạy tuyến Hà Nội - Bắc Giang lên 40.000 đồng.

Đối với dịch vụ xe ôm, giá cả tăng thì người làm dịch vụ này cũng không thoải mái gì. Anh Nguyễn Văn Tráng, chạy xe ôm ở quận 11, TP.HCM nói: “giá xăng tăng, giá cước xe ôm cũng tăng theo nhưng khách lại giảm đi. Công ăn việc làm của anh em chúng tôi lại càng khó khăn hơn”.

Tăng giá và nỗ lực kiềm chế giá

Ngày hôm qua, gas trên thị trường cũng chính thức có giá mới. Theo đó, giá gas sẽ tăng thêm từ 9.000 - 10.000 đồng/bình, lên mức 330.000 đồng một bình 12 kg. Cụ thể, giá gas tại Sài Gòn Petro tăng 750 đồng/kg, tương đương tăng 9.000 đồng/bình, lên mức 329.000 đồng/bình 12 kg. Tại Vinagas, giá ga tăng 10.000 đồng/bình, lên mức 330.000 đồng/bình 12 kg...

Kéo theo giá nguyên, nhiên liệu, giá vận tải, nhiều người nội trợ không khỏi ngạc nhiên khi giá thực phẩm tăng đột biến. Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, công tác tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM than thở: “Giá thịt ba rọi heo đã tăng 80.000 đồng/kg, thịt đùi heo tăng 75.000 đồng/ kg trong khi đó những ngày xăng, điện chưa tăng giá thịt ba rọi chỉ dao động từ 70.000 - 72.000 đồng/kg, còn thịt đùi chỉ từ 65.000 - 68.000 đồng/kg”.

Ngoài thực phẩm tươi sống tăng giá, nhiều mặt hàng rau của quả cũng nhích lên. Tuy nhiên, mức giá mới của rau củ quả chỉ có ở một số loại. Tại chợ Tân Định, giá khoai tây Đà Lạt có giá 35.000 đồng/kg, chợ Bùi Văn Ba (quận 7) giá khoai tây ở mức 22.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, giá xăng tăng cao như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến khâu vận chuyển hàng hoá cho nên dần dần giá rau củ quả sẽ tiếp tục tăng, mặc dù giá rau ở Đà Lạt đang giảm.

Ngày 1/3, nhiều hệ thống siêu thị đã áp dụng mức giá mới. Tại siêu thị Sài Gòn Co.op, những thực phẩm như: dầu ăn, sữa, thực phẩm đông lạnh, kẹo bánh... của 18 nhà cung cấp đã tăng giá từ 3% - 22%. Còn đại diện siêu thị Vinatex Mart cho biết: trước Tết, siêu thị đã ứng gần 100 tỉ đồng cho nhà cung cấp để giữ giá, hai bên cam kết sẽ giữ giá cho đến hết tháng 3 nhưng hiện nay, một số nhà cung cấp đã đặt vấn đề tăng giá. Do giá cả thị trường biến động mạnh nên siêu thị không thể buộc họ giữ giá như cam kết mà yêu cầu áp dụng mức tăng từ 5% - 10% cho người tiêu dùng đỡ “choáng”.

Các siêu thị tại Hà Nội cũng bắt đầu áp dụng mức tăng giá tương tự.

Ngoài ra, cũng phải kể đến những dịch vụ thiết yếu cũng kéo nhau tăng giá, theo kiểu “tát nước theo mưa”, ví dụ giá rửa xe máy trước đây 10 - 12.000 đồng, hiện nay thấp nhất cũng 15.000 đồng, có nơi cao là 20.000 đồng cho mỗi lần rửa xe máy.

Anh Đức - Phương Linh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›