(Thethaovanhoa.vn) - Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết từng nằm trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán
Ngày 29/3, Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt với cáo buộc "thao túng" và "che giấu thông tin chứng khoán". Theo VnExpess, ông Quyết bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.
Bộ Công an cho hay, cùng với ông Quyết, nhiều cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty cũng đang bị điều tra về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán", "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" trong sai phạm xảy ra ngày 10/1.
Việc làm của những người này bị C01 cho rằng gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vụ án khiến Chủ tịch FLC bị điều tra bắt nguồn từ việc chiều 10/1 ông bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không công bố thông tin trước đó.
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) ngày 11/1 ra thông báo huỷ bỏ giao dịch này - biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua.
Ngày 17/1, ông Quyết bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phạt 1,5 tỷ đồng, mức cao nhất theo quy định hiện hành về chứng khoán và đình chỉ giao dịch 5 tháng.
Trước đó tháng 11/2017, ông Quyết từng bị phạt 65 triệu đồng vì bán 57 triệu cổ phiếu mà không báo với cơ quan quản lý thị trường.
Ông Trịnh Văn Quyết khởi nghiệp bằng việc mở văn phòng Luật sư
Ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975 ở Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc. Ông có bằng Cử nhân luật (Đại học Luật Hà Nội); Cử nhân Hành chính (Học viện Hành chính Quốc gia); Thạc sỹ Quản trị kinh doanh (Đại học Irvine, Mỵ); Chứng chỉ Đào tạo nghề Luật sư (Học viện Tư pháp).
Ông Quyết khởi nghiệp bằng việc mở văn phòng Luật sư SMiC năm 2001 từ số tiền tích cóp thời sinh viên. Sau đó thành lập công ty Tư vấn Đầu tư SMiC chuyên tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, các vấn đề sở hữu trí tuệ doanh nghiệp vào năm 2008. Hai năm sau, Trịnh Văn Quyết cho sáp nhập các công ty thành viên để thành lập Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC).
Hiện, ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC. Đồng thời gián tiếp nắm quyền tại các công ty liên quan đến Tập đoàn FLC, thường gọi là hệ sinh thái FLC, gồm: Công ty CP Nông Dược H.A.I (HAI), Công ty CP Xây dựng Faros (ROS); Công ty CP Đầu tư khoáng sản AMD Group (AMD), Công ty CP Chứng khoán Artex (ART), Công ty CP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (KLF), Công ty CP GAB (GAB)…
Ngoài ra, ông Quyết còn là Chủ tịch HĐQT hãng hàng không Bamboo Airways mới thành lập vài năm gần đây. Hãng hàng không này hiện có vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng.
- Bắt Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết vì thao túng cổ phiếu
- Xung quanh thông tin Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị tạm hoãn xuất cảnh một tháng
- Ông Trịnh Văn Quyết bị phạt 1,5 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch 5 tháng
Người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam
Về tài sản, theo báo Người lao động, với số cổ phiếu đang nắm trong tay, ước tính ông Trịnh Văn Quyết đang nắm số tài sản 4.789 tỷ đồng gồm: 215.436.257 cổ phiếu FLC, 23.717.556 cổ phiếu ROS, ở 7.614.000 cổ phiếu GAB và 3.156.000 cổ phiếu ART.
Tuy nhiên, thời kỳ "hoàng kim" là năm 2017, khi ông Trịnh Văn Quyết được xếp hạng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, năm 2017 ông Quyết sở hữu tài sản vốn hóa đạt 58.852 tỉ đồng (hơn 2 tỉ USD), tăng 25.046 tỉ đồng so với năm 2016, khi sở hữu 318.514.630 cổ phiếu ROS, 135.187.150 cổ phiếu FLC và 2.630.000 cổ phiếu ART, qua đó chính thức giữ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán trong năm.
Đến năm 2018, tài sản của đại gia Vĩnh Phúc đột ngột ''rơi'' xuống còn 15.572 tỉ đồng.
Những phát ngôn gây xôn xao của ông Trịnh Văn Quyết
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Trịnh Văn Quyết cũng nhiều lần có những phát ngôn về kinh doanh gây chú ý như:
- "Khởi nghiệp là một hành trình nhiều gian khổ và lắm đắng cay. Tôi mất những tháng năm tuổi trẻ ít sôi nổi và yêu đương. Những năm tháng đó là để tích lũy kinh nghiệm kinh doanh".
- "Với tôi, tiền là phải đầu tư, phải tiêu, phải luân chuyển, phải sản xuất kinh doanh, chứ giữ cả tỷ đô mà cứ cất ở đấy cũng chả để làm gì, coi như không có tiền".
- "Chuyện yêu, ghét thì không tránh khỏi, người quý, người không quý là chuyện bình thường. Đúng là tôi có được nhiều người biết, được công chúng khá quan tâm. Nhưng tôi nghĩ yêu là chính, còn ghét chẳng qua họ chưa gặp tôi thôi. Trong suy nghĩ và hành động tôi đều mong muốn những gì tốt nhất cho xã hội, cho đất nước, thì không có lý do gì để ghét".
- "Khi chúng tôi nói về kế hoạch bay Mỹ, có người nói với tôi: ông Quyết và Bamboo Airways mà bay được thì tôi tự tử hoặc ông Quyết chém gió chứ bay cái gì? Đến khi chúng tôi bay thành công, gặp lại thì họ nói: tôi nói thế để cho anh cố gắng và phấn đấu. Tôi chỉ biết cười và dẹp qua thị phi để tiếp tục phấn đấu".
- "Đôi khi chính những lời giải thích của mình lại bị "lái" theo một chiều hướng khác. Nên tôi không muốn bị ảnh hưởng bởi những luồng thông tin như vậy, mình cứ làm thực tế, kết quả sẽ chứng minh".
- "Hãy nhìn vào những việc tôi làm và gặp người thực chứ tin đồn thì nhiều lắm".
Anh Tuấn (tổng hợp)
Tags