Trong khoảng 10 ngày nay, tình trạng bệnh nhân bị mắc cúm A tại Quảng Ninh có xu hướng tăng cao bất thường, mặc dù đang ở thời điểm mùa hè, không phải là mùa bùng phát loại bệnh này.
Hơn một tuần trở lại đây, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy Quảng Ninh ghi nhận số lượng bệnh nhân mắc cúm A tăng đột biến so với cùng kỳ, bình quân mỗi ngày ghi nhận khoảng từ 20-30 bệnh nhân nhập viện do cúm A.
Chị Nguyễn Thị Ánh Chi, trú tại phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long cho biết: Trước khi vào viện, có triệu chứng ho, sốt từ nhẹ đến nặng, khi sốt cao chị dùng thuốc nhưng không hạ, mà duy trì mức trên 39 độ khiến chị phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu. Chị đã tự test COVID-19 tại nhà cho kết quả âm tính. Tại bệnh viện, chị được chẩn đoán mắc cúm A phải nhập viện điều trị. Sau 4 ngày tình hình sức khỏe của chị đã chuyển biến tốt hơn.
Còn với anh Ngô Quốc Thắng, phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long có triệu chứng mỏi cơ, đau cơ, không ho sốt. Đến Bệnh viện Bãi Cháy anh xét nghiệm bị mắc bệnh cúm A.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Thị Thanh Hoa, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ, đa số các bệnh nhân nhập viện do cúm sốt cao, đau mỏi toàn thân, viêm đường hô hấp cấp với các biểu hiện hắt hơi sổ mũi ho, viêm phổi… Nguyên nhân tình hình dịch cúm A bùng phát thời điểm này một phần do nhân dân chủ quan không thực hiện đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.
Hơn nữa đây là thời gian nghỉ hè, mọi người đi du lịch, giao lưu, gặp gỡ nhiều hơn nên tốc độ lây lan tăng. Vì vậy, bác sĩ Hoa lo ngại ngoài vấn đề cúm A còn có nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát.
Trong những ngày qua, không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng là đối tượng mắc cúm A. Tại Khoa Nhi Bệnh viện Bãi Cháy ghi nhận số lượng trẻ mắc cúm A tăng đột biến trên dưới 20 bệnh nhi một ngày. Triệu chứng trẻ gặp phải khi nhiễm cúm như sốt cao, đau đầu, mỏi người, viêm đường hô hấp như hắt hơi, sổ mũi, một số bệnh nhi có biến chứng nặng như viêm phế quản, viêm tai giữa.
Bác sĩ Hà Thị Duyên, Khoa Nhi Bệnh viện Bãi Cháy thông tin: Để phòng tránh cúm A, phụ huynh nên tiêm vaccine phòng cúm hàng năm cho con em mình trước khoảng 1 tháng thời điểm dịch cúm diễn ra vào mùa đông xuân (tháng 3,4,9,10 trong năm). Khi trẻ có dấu hiệu nặng như tiêu chảy, sốt cao, li bì, ăn uống kém, nôn thì cần phải nhập viện điều trị. Cùng với đó, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống lành mạnh, nâng cao sức đề kháng, tránh tập trung đông người khi đang có dịch cúm.
- Thái Bình khống chế thành công ổ dịch cúm A/H5N6
- Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống bệnh cúm A
- Hà Nội lập 5 đội cơ động chống dịch cúm A/H7N9
Trước tình hình dịch cúm A gia tăng tại địa phương, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Dung, Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Quảng Ninh nhận định, trong thời gian tới có xu hướng phức tạp hơn. Để kiểm soát dịch bệnh, phía Trung tâm tăng cường hoạt động giám sát tại các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở khám chữa bệnh. Các đơn vị khi có các trường hợp nặng cần khẩn trương điều trị tích cực, lấy mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán các chủng, giúp chủ động cho công tác điều trị; tăng cường hoạt động truyền thông, tăng cường cho người dân cảnh giác và phát hiện sớm các ca bệnh.
“ COVID-19; cúm A và sốt xuất huyết có thể đang cùng lúc xuất hiện trong cộng đồng, các triệu chứng của các loại bệnh này hơi giống nhau. Do đó người dân không nên chủ quan. Nếu như dùng các loại thuốc hạ sốt không đỡ nên đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán chính xác, điều trị sẽ giảm được các biến chứng, nguy cơ chuyển biến nặng, cùng với đó các cá nhân, gia đình, những nơi tập thể phải thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn sạch sẽ môi trường xung quanh…” bác sĩ Dung khuyến cáo.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng gần 900 ca mắc cúm A, nhiều nhất là ở huyện Hải Hà với trên 280 ca. Bên cạnh cúm A, một số bệnh liên quan đến đường hô hấp như sốt xuất huyết cũng có nguy cơ bùng phát khi trong thời điểm này, lượng sinh viên từ các tỉnh phía Nam về nghỉ hè khá đông. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức để chung tay đẩy lùi các loại dịch bệnh.
Thanh Vân/TTXVN
Tags