(TT&VH) - Sau hơn 4 năm triển khai Quyết định 39/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2007 – 2010 định hướng đến năm 2020, dự kiến 196 trạm xăng dầu sẽ được đầu tư mới theo quy hoạch để “xóa sổ” 113 trạm xăng đang hoạt động không đạt quy chuẩn.
Thực tế mới chỉ có 13 trạm xăng được đầu tư mới và tuyệt đại đa số các trạm xăng dầu không đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng được Bộ Xây dựng ban hành vẫn tiếp tục hoạt động. Vì sao vậy?
Theo Quy chuẩn thì cả trăm cây xăng không đạt
Nguyên nhân buộc dừng hoạt động các trạm xăng này là theo Quyết định 39, các cửa hàng vi phạm khoảng cách đến công trình công cộng, cầu đường bộ, đường dây dẫn điện, gần giao lộ; vi phạm xây dựng an toàn PCCC và bảo vệ môi trường, diện tích nhỏ hơn 100 m2; không có giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc cửa hàng nằm trong diện giải tỏa của các dự án khác...
Trạm xăng dầu Vạn Ngân, địa chỉ số D16/41, ấp 4, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, mặc dù bị buộc ngưng hoạt động từ năm 2006 vì không có giấy phép xây dựng, nhưng hiện tại trạm xăng này vẫn hoạt động bình thường.
Còn đối với các trạm xăng có tên trong danh sách phụ lục 2, đáng lý phải ngưng hoạt động từ khi kết thúc năm 2010. Nhưng thực tế, hầu hết các trạm xăng này vẫn tồn tại.
Chúng tôi khảo sát thực tế tại một số quận, huyện theo phụ lục 2, quận Bình Tân có 2 trạm xăng chỉ được cho phép hoạt động tạm thời đến hết năm 2010 là trạm xăng của Cty ôtô Sài Gòn tại số D11/6Q quốc lộ 1A, phường Tân Tạo và trạm xăng Tân Uyên, tại số 710 Tân Kỳ - Tân Quí, phường Bình Hưng. Thế nhưng 2 trạm này vẫn hoạt động kinh doanh bình thường.
Tương tự, trạm xăng dầu số 9 của Cty CP nhiên liệu Sài Gòn, tại góc đường Bùi Thị Xuân và Lê Thị Riêng, quận 1 và trạm xăng dầu của Cty CP thương nghiệp quận 8, số 375 Tùng Thiện Vương, phường 13, quận 8 cũng chưa phải ngưng hoạt động vì “vi phạm qui định xây dựng”. Ngoài ra, một số trạm xăng nằm trong phụ lục 2 ở các quận, huyện khác vẫn còn hoạt động như: trạm xăng Lan Anh, số 277 Âu Cơ, phường 5, quận 11 và trạm xăng Hai Lữ, số D14/396 quốc lộ 50, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh...
Thực tế, trên các địa bàn quận, huyện khác, còn rất nhiều trạm xăng ở phụ lục 2 vẫn hoạt động, không theo Quyết định 39 của UBND TP. Theo thống kê của cơ quan chức năng vào đầu năm 2011, trong 113 trạm xăng dầu thuộc phụ lục 2, thì vẫn còn khoảng 100 trạm hoạt động.
Quy chuẩn không sát thực tế?
Bên cạnh các trạm xăng có trong phụ lục 1và 2 theo Quyết định 39 kể trên, thì vẫn còn rất nhiều trạm xăng khác tồn tại và không tuân thủ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng được Bộ Xây dựng ban hành năm 2008.
Trên quốc lộ 50, đoạn qua xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, chỉ cách nhau hơn 100 mét có tới 3 trạm xăng. Trong đó 2 trạm xăng đang hoạt động kinh doanh và 1 trạm đang trong giai đoạn xây dựng. Tương tự, trên trục đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, 2 trạm xăng chỉ cách nhau khoảng 20 mét.
Trong khi đó, tại điểm 2.8.16 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng ghi rõ: để đảm bảo an toàn phòng chống cháy, bảo vệ cảnh quan, các trạm xăng dầu trong đô thị phải cách nhau ít nhất 300 mét. Cũng tại điểm 2.8.16 của Quy chuẩn này, các trạm xăng dầu phải cách nơi tụ tập đông người ít nhất 100 mét.
Đơn cử, trạm xăng dầu của Cty CP thương nghiệp quận 8, số 375 Tùng Thiện Vương, phường 13, quận 8 chỉ cách Trung tâm Y tế Xóm Củi, Trường THCS Tùng Thiện Vương hơn 20 mét và nơi đây tập trung khu vực dân cư, kinh doanh mua bán đông đúc.
Từ thực tế nêu trên, trao đổi với TT&VH, ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, trong Quyết định 39 có chỉ đạo mở thêm 196 trạm xăng dầu để thay thế cho 113 trạm xăng chỉ được phép hoạt động đến hết 2010. Nhưng không có ai đầu tư cho nên toàn bộ kế hoạch quy hoạch của UBND TP về cửa hàng xăng dầu bị “bể”. Nguyên nhân là do mức đầu tư quá lớn tới vài trăm tỷ đồng và vì Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ Xây dựng quá cao nên không nhà đầu tư nào dám bỏ tiền ra làm.
Một nhà quản lý không ngần ngại nhận xét rằng: “Bộ Xây dựng như ngồi “trên mây”, vẽ ra quy định như những trạm xăng ở... Liên Xô, cách xa nhà dân 100 mét, nội thành mình làm sao làm như vậy được?! Thực tế, đa số trạm xăng có trước giải phóng, do đô thị hóa nên xuất hiện trung tâm thương mại, trường học nằm kế bên rồi nói trạm xăng vi phạm và bắt người ta dẹp hết. Vậy nó không sát thực tế của thành phố. Nếu mà đóng cửa hết 113 cây xăng này thì người ta sẽ trữ xăng ở trong nhà, còn nguy hiểm hơn”.
UBND TP.HCM đang tìm hướng giải quyết tình trạng quy hoạch các trạm xăng dầu nội địa mà không thực hiện được. Vấn đề Quy chuẩn, quy hoạch cần phải sát thực tế.
Anh Đức