Tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành về tăng cường công tác phòng, chống dịch và tiêm chủng phòng COVID-19, diễn ra ngày 2/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chỉ rõ những khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống dịch hiện nay.
Tốc độ tiêm vaccine COVID-19 ở một số địa phương vẫn chưa đạt tiến độ theo yêu cầu, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi; thậm chí có tình trạng né tránh tiêm vaccine ở một bộ phận người dân. Công tác truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tham gia phòng, chống dịch, nhất là tiêm chủng vaccine chưa hiệu quả; nguồn lực cho phòng, chống dịch chưa được đảm bảo; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch....
Theo bà Đào Hồng Lan, hiện nay, dịch COVID-19 cơ bản vẫn được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước, các hoạt động dần trở lại bình thường. Bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác được theo dõi chặt chẽ, bám sát các diễn biến của tình hình dịch và chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó để ngăn chặn sự xâm nhập và hạn chế lây lan trong nước. Các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước, như: cúm mùa, sốt xuất huyết, tay chân miệng vẫn cơ bản được kiểm soát với nhiều giải pháp quyết liệt được thực hiện trong thời gian qua…
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn đang diễn biến phức tạp; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt và các vấn đến khác như đô thị hóa, di dân… là nguyên nhân của sự xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm mới hay sự tiến hóa, biến chủng của các virus gây bệnh dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát gia tăng, xu hướng dịch bệnh phức tạp, khó lường.
Báo cáo về tình hình dịch bệnh trong 7 tháng năm 2022, ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Nhiều quốc gia tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi, nhất là đại dịch COVID-19 với nhiều biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh. Bên cạnh đó, các bệnh sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ và viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tiếp tục ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, 7 tháng năm 2022 ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc COVID-19 (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), hơn 8,5 triệu người khỏi bệnh (94,5%), gần 11 nghìn ca tử vong (0,1%). Tích lũy đến nay, cả nước ghi nhận 10,7 triệu ca mắc COVID-19, có 9,9 triệu người khỏi bệnh (92%) và hơn 43 nghìn ca tử vong (0,4%). Từ cuối tháng 3/2022, dịch có xu hướng giảm mạnh và hiện vẫn đang được cơ bản kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron đã được ghi nhận trong nước.
Kết quả tiêm vaccine phòng COVID-19 đến 31/7/2022, đã tiêm được hơn 245,7 triệu liều (tỷ lệ sử dụng đạt 100%). Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm các mũi 1, 2, 3, 4 tương ứng xấp xỉ 100%, 100%, 71,5% và 63,0%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm các mũi 1, 2, 3 xấp xỉ 100%, 99,5% và 33,7%; trẻ từ 5 đến 11 tuổi tiêm các mũi 1, 2 xấp xỉ 69,3% và 37,0%.
Về bệnh sốt xuất huyết, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc, 45 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (42.587 ca mắc và 14 ca tử vong), số mắc tăng 3,2 lần, tử vong tăng 31 trường hợp. Các địa phương ghi nhận số mắc hàng tuần và tích lũy tăng cao là: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang, Long An, Đồng Tháp. Số mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Các bệnh lưu hành như tay chân miệng, sốt rét, sởi, dại ghi nhận số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2021 nhưng đang có xu hướng gia tăng; bệnh tay chân miệng gia tăng cục bộ tại một số địa phương; bệnh sởi ghi nhận rải rác tại một số nơi.
Hiện, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân và các bệnh truyền nhiễm nhóm A khác.
Những tháng cuối năm 2022, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong; phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur lấy mẫu, giải trình tự gen, phát hiện sớm các biến thể mới của SARS-CoV-2.
Với các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên địa bàn, các địa phương cần chủ động có giải pháp ứng phó và ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu với các dịch bệnh mới; tăng cường giám sát, sàng lọc phát hiện sớm các ca mắc bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị; triển khai xử lý các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng; thực hiện quyết liệt các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy).
Các cơ sở điều trị thực hiện tốt việc phân tuyến, phân luồng khám, sàng lọc bệnh; đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, người già và trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19, hoàn thành sớm nhất kế hoạch đề ra; nhất là việc tiêm vaccine mũi 3, 4 cho từng nhóm đối tượng, tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế và không để vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí.
- TP.HCM yêu cầu các địa phương mở thêm điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em
- Biến thể mới BA.4, BA.5, BA.2.12.1 xâm nhập, Bộ Y tế tiếp tục nhắc phải tiêm vaccine Covid-19 nhanh hơn
- Cả nước có gần 1.700 ca mới, các địa phương đẩy mạnh tiêm vaccine Covid-19
Bên cạnh đó, Bộ phối hợp với các cơ quan truyền thông, chính quyền các cấp tăng cường công tác truyền thông, không để người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và chủ động thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch, như: đeo khẩu trang, khử khuẩn, vệ sinh môi trường; đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong để khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Ngành Y tế tham mưu UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp để bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân; đảm bảo các chế độ, chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch, nhất là cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở, các y bác sỹ, nhân viên y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Việt Hà/TTXVN
Tags