Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn vừa ký văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu rà soát đất đai, nghiên cứu, đề xuất hình thức đầu tư mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm rà soát hiện trạng về hạ tầng, đất đai, quy hoạch, nhu cầu vận tải; nghiên cứu các hình thức đầu tư theo quy định hiện hành và đánh giá, đề xuất hình thức, thời điểm, lộ trình đầu tư phù hợp để mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, bảo đảm đáp ứng công suất khai thác và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; báo cáo Bộ Giao thông Vận tải.
Trong quá trình thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan: Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam…để tổng hợp số liệu, tham khảo các ý kiến về hình thức đầu tư cho phù hợp.
Được biết, yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải được đưa ra sau khi Thủ tướng Chính phủ có kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Kiên Giang nghiên cứu các hình thức đầu tư phù hợp để đầu tư mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc (ưu tiên đầu tư theo hình thức đối tác công tư), nâng tổng công suất đến năm 2030 lên 10 triệu hành khách/năm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với các quy định hiện hành.
Liên quan đến nhà đầu tư quan tâm đến dự án này, mới đây, Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất được tham gia đầu tư vào các hạng mục kêu gọi xã hội hóa tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc như: nhà ga hành khách quốc tế, nhà ga hàng hoá, kho hàng hóa và đường băng. IPPG cam kết thực hiện đầu tư đảm bảo chất lượng, tiến độ và tuân thủ các quy định pháp luật.
Tại văn bản này, IPPG cho hay, đơn vị đã có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực như phi thuế quan biên giới, sân bay, dịch vụ phi hàng không tại các sân bay lớn trên khắp cả nước…Vì vậy, IPPG cam kết thực hiện đầu tư đảm bảo chất lượng, tiến độ và tuân thủ các quy định pháp luật.
Theo Nghị định 05/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay quy định cụ thể, doanh nghiệp cảng hàng không có trách nhiệm đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các công trình thiết yếu.
Hiện nay, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang quản lý, khai thác Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc. Căn cứ quy định nêu trên, ACV có trách nhiệm đầu tư xây dựng, mở rộng các công trình thiết yếu của sân bay này.
- IPPG đề xuất đầu tư nhà ga tại sân bay Phú Quốc
- Đón đoàn du khách quốc tế có 'hộ chiếu vaccine' đầu tiên đến Phú Quốc
- Bộ Giao thông Vận tải đồng ý thí điểm đón khách du lịch đến Phú Quốc
Trường hợp ACV không có khả năng đầu tư theo kế hoạch phát triển cảng hàng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất, kêu gọi hình thức đầu tư phù hợp theo quy định của pháp luật. Đối với các công trình khác (ngoài công trình thiết yếu), Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, vừa qua, triển khai Luật Quy hoạch, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo nội dung quy hoạch, Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc giai đoạn đến năm 2030 công suất 10 triệu khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 18 triệu khách/năm.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện tại có 6 hãng hàng không trong nước, 10 hãng nước ngoài khai thác các đường bay thường lệ đi/đến Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc. Sản lượng vận tải hành khách năm 2019 là 3,7 triệu; năm 2020 là 3,23 triệu và năm 2021 khoảng 1,6 triệu.
TTXVN
Tags