(Thethaovanhoa.vn) - Hiện tượng băng tan ở Nam Cực có thể khiến mực nước biển dâng cao ở mức "thảm họa" và đe dọa nghiêm trọng cho các vùng trũng và vùng duyên hải nếu các nước không kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất không vượt quá 2 độ C. Cảnh báo trên được các nhà nghiên cứu đưa ra ltrong một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature ngày 5/5.
Theo nghiên cứu, nếu các nước không thể giữ nhiệt độ Trái Đất tăng dưới 2 độ C, các dải băng tan chảy ở Nam Cực có thể khiến mực nước biển tăng trung bình 0,18 cm/năm trên toàn thế giới từ năm 2060. Trong trường hợp nhiệt độ tăng 3 độ C, vốn có vẻ dễ xảy ra nếu duy trì các chính sách hiện tại, mực nước biển trên toàn cầu sẽ dâng cao ở mức thảm họa là 0,5 cm/năm sau năm 2060.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô hình dựa trên quan sát vệ tinh, dữ liệu về khí hậu và học máy để dự báo về lượng băng tan ở Nam Cực theo các chính sách khác nhau về giảm lượng khí thải trên toàn cầu.
Đồng tác giả của nghiên cứu, Daniel M.Gilford thuộc Phòng thí nghiệm chính sách và khoa học hệ thống Trái Đất Rutgers, nêu rõ: "Sự sụp đổ của các dải băng là không thể thay đổi được trong hàng nghìn năm và nếu các dải băng ở Nam Cực trở nên không chắc chắn, thì tình hình này có thể tiếp tục trong hàng thế kỷ dù cho có thực hiện các chiến lược về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính như loại bỏ khí CO2 ra khỏi bầu khí quyển".
Trong khi đó, ông Atiq Rahman đứng đầu Trung tâm nghiên cứu tiên tiến của Bangladesh, một tổ chức phi lợi nhuận, cho rằng các quốc gia nằm ở vùng trũng thấp như Bangladesh vốn đã phải hứng chịu các trận bão, lũ nghiêm trọng, dễ bị tổn thương nhất trước tác động của nhiệt độ và mực nước biển tăng cao.
Theo ông, mực nước biển tăng chút ít ở miền Nam bằng phẳng của Bangladesh khiến diện tích đất canh tác bị nhiễm mặn. Dần dần, đất canh tác ở vùng nước lợ sẽ bị nhiễm mặn và năng suất nông nghiệp sẽ giảm. Điều này sẽ dẫn tới làn sóng rời bỏ nhà cửa khi nhiều người buộc phải di chuyển tới vùng đô thị - nơi có dân số ngày càng tăng.
- Biến đổi khí hậu: Nước biển dâng đe dọa nhấn chìm khoảng 80 sân bay trên thế giới vào năm 2100
- Biến đổi khí hậu: 3 triệu người Đức có thể trở thành nạn nhân
- Biến đổi khí hậu: Thế giới trải qua tháng 7 nóng nhất trong lịch sử
Các cộng đồng sinh sống ở vùng duyên hải đang tìm cách đối phó thông qua các biện pháp đơn giản như trồng rau trong chậu để không bị nhiễm mặn. Ông Rahman nói: "Người dân đang cố thích nghi song việc thích nghi này chỉ có giới hạn".
Theo một nghiên cứu được Liên minh địa vật lý Mỹ công bố vào tháng trước, mực nước biển dâng cao có thể gây ra làn sóng di cư trên toàn Bangladesh, ảnh hưởng tới hơn 1,3 triệu người vào năm 2050.
Các nhà nghiên cứu đều nhấn mạnh tới sự cần thiết của hợp tác quốc tế lớn hơn để ứng phó với nhiệt độ gia tăng trên toàn cầu trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), dự kiến được tổ chức tại Glasgow, Scotland vào tháng 11 tới. Ông Rahman nhấn mạnh: "Cách duy nhất của cộng đồng quốc tế để ứng phó mạnh mẽ là giảm nhanh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính".
Theo Thỏa thuận Paris ký năm 2015 về biến đổi khí hậu, hơn 190 nước trên thế giới đã nhất trí giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt này ở 1,5 độ C.
Minh Châu/TTXVN
Tags