Vừa lên đã xuống
Hôm 29/8, Kim Tae-ho, người được chỉ định vào ghế Thủ tướng, đã thông báo ý định từ chức dù mới được giao trọng trách mới chỉ 3 tuần. Kim nói rằng quyết định từ chức được đưa ra có liên quan tới những tranh cãi xung quanh cá nhân ông và để không gây hại tới chính quyền của Tổng thống Lee Myung-bak. "Tôi từ chức là nhằm tránh gây ảnh hưởng tới các hoạt động chính trị của Tổng thống. Cho dù trở thành Thủ tướng, liệu tôi có thể làm được gì nếu không có sự tin tưởng của người dân?" - Kim nói trong cuộc họp báo tổ chức cùng ngày.
Ông Kim đã được chỉ định thay thế người tiền nhiệm là ông Chung Un-chan. Kim bước vào ánh đèn chính trị hồi năm 2004 khi giành chiến thắng ở một cuộc bầu cử để trở thành tỉnh trưởng South Gyeongsang khi mới 41 tuổi. Trước đó, ông là thành viên hội đồng địa phương ở Geochang, tỉnh South Gyeongsang.
Nghi án "lại quả"
Theo quy định, để chính thức trở thành Thủ tướng, ông Kim cần sự chấp thuận của ít nhất một nửa trong số 299 nghị sĩ Quốc hội. Tuy nhiên trong phiên điều trần kéo dài hai ngày trước Quốc hội vào tuần trước, ông Kim đã không thể thuyết phục được các nghị sĩ rằng mình là người xứng đáng. Các nghị sĩ của đảng Dân chủ đối lập cáo buộc Kim đã cố ý báo cáo thu nhập thấp hơn so với thực tế, sử dụng trái phép các khoản vay ngân hàng cho những chiến dịch vận động tranh cử của bản thân. Khi còn là tỉnh trưởng Nam Gyeongsang, ông này còn sử dụng các nhân viên nhà nước tới làm việc nhà cho ông. Ông còn bị chỉ trích vì để cho vợ sử dụng xe công, nhân viên nhà nước ở tỉnh Nam Gyeongsang vào các công việc có tính chất riêng tư.
Tuy nhiên những chỉ trích lớn nhất nằm vào mối quan hệ của Kim với doanh nhân Park Yeon-cha, Giám đốc điều hành công ty Taekwang Industry. Cuối năm 2008, Park đã bị bắt vì các tội trốn thuế và buôn bán nội gián. Phe đối lập cáo buộc Kim đã nhận tiền "lại quả" từ Park trong một chuyến đi tới New York hồi năm 2007. Họ cũng đặt nghi vấn về việc Kim đột ngột giàu lên nhanh và về những hoạt động chuyển khoản tài chính gây nghi ngờ mà ông đã thực hiện.
Kim cố gắng tự vệ bằng tuyên bố ông không hề quen biết doanh nhân nào tên là Park Yeon-cha. Tuy nhiên sau đó ông lại thừa nhận "có biết tới Park sau năm 2007". Nhưng rồi phe đối lập lại trưng ra một tấm ảnh cho thấy ông tham dự một buổi họp hồi năm 2006 và trong bức ảnh ông đứng ngay cạnh Park.
Sự việc đã khiến tờ Hankook Ilbo có bài bình luận mang tựa đề: "Có phải Kim lại nói dối tiếp"?. Tờ Korea Times thì đánh giá "trong chính trị, việc bị gán cho từ 'kẻ nói dối' thường mang tới hậu quả chết người". Và kết quả những gì vừa diễn ra đã cho thấy nhận định chính xác của Korea Times.
Bước lùi của Tổng thống Lee
Văn phòng Tổng thống Lee cho biết ông sẽ chấp nhận sự từ chức của Kim. Ngoài ông này, có hai gương mặt mới trong nội các cũng đã tuyên bố rút lui. Họ là Bộ trưởng Kinh tế Lee Jae-hoon và Bộ trưởng Văn hóa Shin Jae-min. Lee bị chỉ trích do vợ ông có liên quan tới một hoạt động kinh doanh bất động sản mang dấu hiệu sai phạm. Shin lãnh búa rìu từ việc đăng ký sai địa chỉ cư trú (vốn có thể nhận án phạt 10 triệu won - khoảng hơn 8.000 USD) và tham gia đầu cơ bất động sản.
Giới phân tích đánh giá với việc tuyên bố cải tổ nội các hồi đầu tháng 8, Tổng thống Lee đang muốn tạo một luồng sinh khí mới cho chính phủ của ông. Tuy nhiên bất cứ sự lựa chọn sai lầm nào cũng sẽ khiến ông phải trả giá về mặt uy tín. "Đây là một bài học nữa cho Tổng thống Lee rằng ông không thể chọn các cá nhân ông thích mà không quan tâm tới việc công chúng muốn gì" - Kang Won Taek, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Soongsil ở Seoul nhận xét - "Những lựa chọn tiếp theo của ông sẽ rất quan trọng và sẽ cho thấy ông có thể giành lại được sự ủng hộ của công chúng lớn tới đâu".