(Thethaovanhoa.vn) - Dịp Tết Nguyên đán, sau một năm nỗ lực lao động, học tập, nhiều người đã sẵn sàng cho chuyến tham quan, du lịch thật ý nghĩa. Trong điều kiện “bình thường mới”, tổ chức hoạt động vui Xuân, đón Tết đảm bảo yêu cầu phòng dịch COVID-19, các địa phương triển khai nhiều biện pháp quản lý, tổ chức phù hợp và tin tưởng nhận được sự đồng thuận, ý thức tự giác chấp hành của các doanh nghiệp, cơ sở cung cấp dịch vụ, du lịch cùng mỗi du khách để hành trình du Xuân đem lại niềm vui trọn vẹn cho tất cả mọi người.
* Bảo đảm an toàn
Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu: Dịp Tết Dương lịch vừa qua, các cơ sở du lịch trên địa bàn đã đón và phục vụ hơn 88.700 du khách trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng dịch COVID-19. Từ kết quả tích cực này, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đơn vị tiếp tục yêu cầu các yêu cầu Phòng Văn hóa và Thông tin, Ban Quản lý các khu du lịch tại các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Trung tâm Quản lý và hỗ trợ khách du lịch thành phố Vũng Tàu, Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo lập kế hoạch tổ chức phục vụ chu đáo du khách, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm an toàn cho du khách; bố trí cảnh báo, cứu hộ, cứu nạn tại các điểm tham quan; phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, các đơn vị chức năng kịp thời báo cáo, xử lý các phản ánh của du khách, thường xuyên phát loa thông tin tại các bãi tắm công cộng, khu vực chợ nhằm cảnh báo cho du khách về tình hình an ninh trật tự, an toàn phòng dịch…
Còn tại Bến Tre, để tạo thuận lợi, thống nhất trong triển khai các hoạt động du lịch trên địa bàn, từ cuối tháng 12/2021, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Bộ tiêu chí tạm thời đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành, điểm đến tham quan, du lịch xây dựng phương án phòng dịch, phương án xử lý khi có trường hợp mắc COVID-19 tại điểm lưu trú, du khách tham gia tour du lịch hay sử dụng các dịch vụ tại các điểm tham quan, thực hiện tốt tiêu chí 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, lập sổ theo dõi y tế và trang bị đầy đủ các phương tiện vệ sinh phòng dịch theo quy định.
- Những chương trình giải trí không nên bỏ lỡ dịp Tết Nguyên đán 2022
- Lời chúc Tết Nguyên đán 2022 hay và ý nghĩa nhắn gửi người thân bạn bè
Ông Võ Văn Phong, Gám đốc Công ty TNHH Truyền thông và Du lịch C2T- Bến Tre cho biết, với phương châm mang lại cho du khách những trải nghiệm mới, hấp dẫn, đáp ứng yêu cầu an toàn, phòng chống dịch COVID-19 trong giai đoạn "bình thường mới”, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các sản phẩm du lịch và các dịch vụ ẩm thực của doanh nghiệp đều chú trọng xây dựng, thiết kế theo hướng điểm đến có không gian mở, gắn với thiên nhiên, tận dụng lợi thế không gian sông nước và làng quê xứ Dừa thoáng đãng, mát mẻ để tổ chức các hoạt động trải nghiệm phù hợp cho du khách.
Cũng theo ông Phong, tâm lý du khách hiện đã có nhiều thay đổi, thận trọng hơn khi đi du lịch. Do đó, các điểm du lịch nông thôn gần gũi thiên nhiên, các hoạt động vui chơi, tham quan như chơi teambuiding (chuỗi các hoạt động, trò chơi tập thể) trên sông hay chèo thuyền SUP (ván lướt sóng có mái chèo), thu hái nông sản, thưởng thức đặc sản làng quê đang được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều du khách trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay.
* Ứng xử văn minh
Đi tham quan, du lịch, nhất là với những hành trình dịp đầu Xuân, năm mới, mọi du khách đều mong muốn có được niềm vui trọn vẹn. Mong muốn này đòi hỏi không những các địa phương có điểm đến có những quy định thống nhất, rõ ràng về các điều kiện đón khách trong bối cảnh phòng, chống dịch, các đơn vị, cơ sở tổ chức và khai thác dịch vụ có sự chuẩn bị chu đáo, kinh doanh văn minh mà du khách cũng cần có sự đồng thuận cao, ứng xử văn minh, phù hợp trong suốt hành trình tham quan, nghỉ dưỡng.
Từ tháng 3/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch trên quy mô cả nước; trong đó quy định cụ thể những điều cần làm đối với từng đối tượng tham gia hoạt động du lịch như đối với các cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở cung ứng dịch vụ ăn uống, điểm mua sắm hàng hóa...
Theo Bộ Quy tắc này, khách du lịch cần có cách ứng xử văn minh, tự trọng và trách nhiệm, thể hiện ở việc tuân thủ nội quy, xếp hàng trật tự, đúng giờ, trang phục phù hợp, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, không vứt rác, không phá hoại môi trường, không mua hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và không sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã
Tuy nhiên, trong thực tế, có những lúc, những nơi, nhất là vào dịp lễ, Tết, lượng du khách tăng cao, đã từng có tình trạng du khách không hài lòng về chất lượng, thái độ phục vụ hay giá cả của một số dịch vụ tại điểm đến du lịch. Đồng thời, tại một số điểm du lịch nổi tiếng đã xảy ra một số sự việc không hay như du khách bẻ cành hoa ở khu du lịch, mặc trang phục hoặc có hành động chưa phù hợp ở điểm đến du lịch tâm linh, di lịch lịch sử.
Đây chỉ là những hiện tượng cá biệt, song ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến những du khách cùng có mặt tại điểm đến và gây những dư luận, ấn tượng không hay trong cộng đồng. Vì vậy, cùng có ý thức và hành động văn minh, mỗi chủ thể cung cấp dịch vụ du lịch cũng như từng du khách sẽ góp phần làm nên sự thành công của chuyến du lịch, nhất là trong dịp Tết đến, Xuân về.
Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trịnh Hàng, trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, các địa phương có hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn đều đã thành lập đội kiểm tra tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống nhằm ngăn chặn tình trạng “chặt, chém” về giá cả hàng hóa, gian lận thương mại.
Sở Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu cũng xây dựng kế hoạch phối hợp với các huyện, thành phố kiểm tra các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, các khu du lịch trong việc thực hiện đăng ký giá, niếm yết và bán đúng giá niêm yết. Quá trình kiểm tra, giám sát cho thấy, các khu du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch đều chấp hành tốt việc kê khai, đăng ký giá, niêm yết giá công khai tại nơi bán hàng, không có trường hợp nào vi phạm trong lĩnh vực giá cần phải xử lý.
Cơ quan chức năng không nhận được phản ánh của du khách liên quan đến vấn đề "chặt chém” giá cả trong dịp nghỉ lễ. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát việc niêm yết giá cả dịch vụ hàng hóa, nhắc nhở các cơ sở, các hộ kinh doanh dịch vụ luôn giữ thái độ niềm nở, thân thiện, phục vụ chu đáo, góp phần khẳng định hình ảnh du lịch Bà Rịa- Vũng Tàu an toàn, thân thiện, mến khách.
Chị Nguyễn Kim Vinh ở quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Dịp lễ, Tết, đi tham quan du lịch, nhất là đến những điểm du lịch tâm linh, các di tích lịch sử, tôi luôn chú ý có trang phục, tác phong phù hợp với khung cảnh của điểm đến, qua đó cũng thể hiện sự tôn trọng, lịch sự đối với mọi người và bản thân sẽ có được tinh thần thoải mái, tự tin và vui vẻ”.
Thanh Trà/TTXVN
Tags