(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 22/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 276,55 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 5,38 triệu người không thể qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục hiện là hơn 248 triệu người.
Trong 24 giờ qua, thế giới có gần 739.000 ca nhiễm mới, trong đó Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất (gần 178.000 ca). Châu Âu vẫn là điểm điểm nóng của dịch COVID-19 hiện nay khi chiếm tới 60% số ca nhiễm mới trên toàn thế giới. Anh, Pháp, Tây Ban Nha là 3 nước có số ca nhiễm mới cao nhất, lần lượt ở 90.629 ca, 72.832 ca và 49.823 ca.
Trong bối cảnh đó, cả Mỹ và các nước châu Âu đều đang siết chặt các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 mà sự lây lan của biến thể Omicron đang trở thành mối đe dọa tại các nước này. Hiện biến thể Omicron đã lây lan ra 106 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu (WHO), Hans Kluge kêu gọi các quốc gia chuẩn bị cho "sự gia tăng đáng kể và mạnh mẽ" các ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, đặc biệt ở những người trẻ tuổi.
Ông Kluge cảnh báo "cơn bão" dịch bệnh khác sắp đến và trong vài tuần tới, Omicron sẽ chiếm số đông các ca nhiễm mới trong khu vực và đẩy các hệ thống y tế vốn đã căng thẳng đến "cực hạn”. Cho đến nay, biến thể mới đã được phát hiện ở ít nhất 38 trong số 53 quốc gia ở khu vực châu Âu, bao gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước thuộc Liên Xô cũ, nhưng phổ biến nhất ở Bồ Đào Nha, Đan Mạch và Anh.
Trong 89% các trường hợp phát hiện sớm khi lây nhiễm Omicron, các triệu chứng phổ biến đi kèm tương tự với COVID-19, như ho, đau họng và sốt. Phần lớn những người nhiễm mới trong độ tuổi từ 20 đến 30, bị lây nhiễm tại nơi làm việc hoặc tại các sự kiện xã hội.
Ông Kluge cho rằng chỉ cần số lượng lớn các ca nhiễm mới có thể dẫn đến gia tăng số ca nhập viện và gây gián đoạn hệ thống chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ quan trọng khác. Ông đồng thời kêu gọi mọi người tiêm vaccine ngừa COVID-19 và những người đã tiêm nên tiêm mũi tăng cường và giảm tiếp xúc với những người khác.
Tại Mỹ, giới chức cho biết biến thể Omicron hiện đã chiếm 73% số ca mắc COVID-19 mới tại nước này. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi tất cả người dân nước này đi tiêm chủng để bảo vệ bản thân trong mùa Giáng Sinh COVID-19 thứ 2.
Thị trưởng Chicago - thành phố lớn thứ 3 của Mỹ, bà Lori Lightfoot cho biết từ ngày 3/1, thành phố này sẽ bắt buộc tất cả các nhà hàng, phòng tập thể thao và các trung tâm giải trí,... phải tiến hành kiểm tra chứng nhận tiêm chủng của người đến từ 5 tuổi trở lên.
Tại châu Âu, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin thông báo nước này sẽ siết chặt quy định nhập cảnh đối với người đến từ Liên minh châu Âu (EU) hoặc khu vực Schengen để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm từ biến thể Omicron. Quy định có hiệu lực từ ngày 28/12.
Theo đó, tất cả những người không phải công dân hoặc thường trú nhân tại Phần Lan khi nhập cảnh đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính.
Chính phủ nước này cũng ban hành các quy định rút ngắn thời gian hoạt động của các nhà hàng cũng như hạn chế số lượng thực khách tại đây.
- AstraZeneca cùng ĐH Oxford tham gia cuộc đua sản xuất vaccine chống biến thể Omicron
- WHO khu vực châu Âu cảnh báo về bão dịch liên quan đến biến thể Omicron
- Vaccine và thuốc điều trị Covid-19 có thể giảm hiệu quả trước biến thể Omicron
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo chứng nhận COVID-19 kỹ thuật số của Liên minh châu Âu phục vụ mục đích đi lại của người dân các nước thành viên, sẽ chỉ có thời hạn trong 9 tháng. Quyết định này được đưa ra nhằm đảm bảo người dân tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19.
Tại Trung Đông, Israel thông báo chuẩn bị siết chặt các biện pháp hạn chế phòng dịch để ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới liên quan đến Omicron. Theo đó, với các trung tâm thương mại lớn trên 100m2, số lượng người có mặt cùng lúc bị hạn chế, đảm bảo 1 người trong diện tích 15m2. Quy định này sẽ có hiệu lực trong vài ngày tới khi được Quốc hội nước này thông qua.
Hiện Israel cũng đã cấm hoạt động đi lại tới Mỹ, Canada và 8 nước khác.
Lan Phương/TTXVN
Tags